Những biện pháp trừng phạt nào được áp đặt đối với Niger sau cuộc đảo chính?
Các đồng minh của Niger trong khu vực và phương Tây đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kể từ sau cuộc đảo chính ngày 26/7 tại Niger nhằm buộc chính quyền quân sự trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum và đưa nước này trở lại trật tự Hiến pháp.
Trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất nhằm vào Niger, một số biện pháp được đưa ra bởi Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA).
Thông qua lệnh trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức, các tổ chức khu vực nêu trên đã tạm dừng mọi giao dịch thương mại với Niger, phong tỏa tài sản nhà nước của nước này tại ngân hàng trung ương khu vực, phong tỏa tài sản của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng thương mại; đồng thời đình chỉ mọi khoản hỗ trợ tài chính liên quan đến các ngân hàng phát triển khu vực. Các biện pháp trừng phạt tài chính nêu trên có thể khiến Niger không thể trả được các khoản nợ.
ECOWAS đã đưa ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự ở Niamey, trong đó yêu cầu phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Bazoum, nếu không thực hiện thì chính quyền quân sự sẽ đối mặt với khả năng bị tấn công. Tuy nhiên, chính quyền quân sự tại Niger đã bất chấp lời cảnh báo này.
Dự kiến, một hội nghị thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng ở Niger sẽ diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria vào ngày 10/8.
Ngân hàng Trung ương khu vực Tây Phi (BCEAO) cũng đã đóng cửa các chi nhánh tại Niger để đề phòng những rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng này.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Niger, đã tạm dừng hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger.
Theo website của EU, khối này đã phân bổ 503 triệu EUR (554 triệu USD) từ ngân sách của mình để giúp Niger cải thiện năng lực quản trị, giáo dục và tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 2021-2024.
Pháp - một đối tác lớn khác của Niger, đã đình chỉ viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách, yêu cầu Niger nhanh chóng quay trở lại trật tự Hiến pháp. Viện trợ phát triển của Pháp dành cho Niger là khoảng 120 triệu EUR (130 triệu USD) vào năm 2022 và dự kiến sẽ cao hơn một chút trong năm nay.
Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger nhằm hỗ trợ quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại vùng Sahel. Tuần trước, quân đội Pháp cho biết, việc rút binh sĩ đang đồn trú tại Niger "không nằm trong chương trình nghị sự".
Hà Lan - quốc gia đang hỗ trợ các chương trình phát triển và an ninh ở Niger, đã tạm ngừng hợp tác trực tiếp với Niger sau cuộc đảo chính vừa qua.
Mỹ - nhà cung cấp viện trợ nhân đạo và an ninh cho Niger, đã hoãn các chương trình hỗ trợ trị giá hơn 100 triệu USD nhằm gây sức ép lên chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi này.
Trước đó, Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc đảo chính có thể dẫn đến việc đình chỉ mọi quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Từ đầu năm tài chính 2023 đến nay, Mỹ đã viện trợ nhân đạo cho Niger khoảng 138 triệu USD. Mỹ có khoảng 1.100 binh sĩ đang đồn trú ở Niger.
Canada đã tạm dừng hỗ trợ phát triển trực tiếp đối với Niger và bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực hòa giải của ECOWAS nhằm đưa Niger trở lại trật tự Hiến pháp.
Trừ các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân mà Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn phải duy trì trong thận trọng, WB đã ngừng giải ngân cho Niger cho đến khi có thông báo mới. Niger đã nhận được 600 triệu USD trong khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp của WB từ năm 2022 đến 2023.
Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ bảy trên thế giới. Đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trung bình mỗi năm Niger nhận được gần 2 tỷ USD viện trợ phát triển.
Ngày 26/7 vừa qua, các binh sĩ ở Niger đã lật đổ Tổng thống Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống. Hai ngày sau đó, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống, đã tuyên bố ông là nhà lãnh đạo mới của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp.