Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023
Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam
Kể từ ngày 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó, hộ chiếu gắn chíp điện tử là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước. Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.
Về hình thức của hộ chiếu gắn chíp điện tử, cơ bản giống với hộ chiếu không gắn chíp điện tử với bìa màu xanh tím than, các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO. Để phân biệt với hộ chiếu không gắn chíp điện tử, ở trang bìa đầu tiên của cuốn hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Chíp điện tử được đặt tại trang bìa sau của cuốn hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân thân và thông tin sinh trắc học của người được cấp hộ chiếu (gồm ảnh mặt, vân tay…) và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử (tại tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu đã có sẵn lựa chọn hình thức hộ chiếu để công dân tự điền). Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Siết chặt quản lý trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
Theo Thông tư 04/2023/TT-BTC, từ ngày 19/3/2023 đơn vị được ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Về tiếp nhận tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Về tiếp nhận giấy tờ có giá, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Đối với tiếp nhận kim khí quý, đá quý, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Hướng dẫn “lý do chính đáng” được vắng mặt khi khám nghĩa vụ
Chính thức có hiệu lực từ ngày 14/3/2023, Thông tư 07/2023/TT-BQP đã quy định rõ ràng các trường hợp được coi là có “lý do chính đáng” để không bị phạt khi vắng mặt trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ,…
Cụ thể, là người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị… nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.
Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh hoặc nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.
Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật với công việc nguy hiểm, độc hại
Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1/3/2023 mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại sẽ được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: mức 1:13.000 đồng, mức 2: 20.000 đồng, mức 3: 26.000 đồng, mức 4: 32.000 đồng (tăng lần lượt 3.000 đồng, 5.000 đồng, 6.000 đồng, 7.000 đồng so với mức bồi dưỡng hiện hành).
Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trường hợp NLĐ làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, việc bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương thay cho hiện vật bồi dưỡng. Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp NLĐ làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho NLĐ để NLĐ có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.