1. Trang chủ /
  2. Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3

thứ hai, 4/3/2024 16:16 GMT+07
Trong tháng 3/2024, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Tăng trần giá vé máy bay nội địa; Quy định giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong thành lập và hoạt động ngân hàng; Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN; Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm…
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/3: Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Quy định giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong thành lập và hoạt động ngân hàng

Ngày 29/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 24/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến việc nộp, xuất trình, cung cấp thông tin, giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Thông tư số 24/2023/TT-NHNN, được áp dụng đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số cụm từ nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/ 2022 cùng Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công và Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành kèm theo Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022.

Theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các trường thông tin cá nhân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tư số 24/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ 1/3/2024.

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ 1/3/2024.

Công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại Nghị định này gồm:

1- Công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

2- Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp);

3- Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước);

4- Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

5- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước);

6- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Quy định mới về các cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở

Nghị định số 3/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có hiệu lực từ 1/3/2024.

Theo đó, 9 cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm:

1. Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

2. Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp.

3. Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.

4. Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.

5. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

6. Thanh tra Kho bạc Nhà nước.

7. Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

8. Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

9. Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, tổ chức, hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các thanh tra sở

Ngoài ra, Nghị định số 3/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ các thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra gồm: Thanh tra Sở Công Thương; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Nội vụ; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Sở Tư pháp; Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch; Thanh tra Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Y tế.

Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTC ngày 5/2/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Thông tư nêu rõ, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Người nộp phí là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Tổ chức thu lệ phí là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100ha, mức thu là 4 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò từ 100ha đến 50.000ha, mức thu là 10 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò trên 50.000ha, mức thu là 15 triệu đồng/1 giấy phép.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác: Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác dưới 5.000m3/năm: 1 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác từ 5.000m3 đến 10.000m3/năm: 10 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác trên 10.000m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm: 80 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại: 100 triệu đồng/giấy phép.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/3/2024.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao được quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/03/2024.

Nghị định quy định khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.

Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.

Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.