1. Trang chủ /
  2. Những dấu hiệu tích cực có thể giúp bất động sản phục hồi trong năm Giáp Thìn

Những dấu hiệu tích cực có thể giúp bất động sản phục hồi trong năm Giáp Thìn

chủ nhật, 11/2/2024 11:02 GMT+07
Thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023, ngày càng nhiều dự án nhà ở xã hội được thực hiện,... đây là những yếu tố có thể giúp thị trường hồi phục trong năm Giáp Thìn 2024.
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm Giáp Thìn 2024. (Ảnh: NSĐT) Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm Giáp Thìn 2024. (Ảnh: NSĐT)

Những dấu hiệu tích cực 

Trong năm Quý Mão 2023, thị trường bất động sản Việt Nam luôn trong trạng thái “vật vờ”, dù chưa tới mức khủng hoảng, nhưng trầm lắng. Điều này được thể hiện qua các con số cụ thể.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2023 chỉ đạt hơn 4.700 doanh nghiệp, giảm 45% so với năm ngoái. Ngược lại, số lượng doanh nghiệp giải thể là 1.286 doanh nghiệp, tăng 7,7%, số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 3.700 doanh nghiệp, tăng 47,4% so với năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó buộc phải cắt giảm nhân sự, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và ngay cả những “ông lớn” cũng gặp phải vô vàn khó khăn.

Tuy nhiên, bất động sản Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực, có thể trở thành bệ phóng cho thị trường bứt phá trong năm mới - năm Giáp Thìn 2024.

Thứ nhất, vừa qua, Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng có tác động trực tiếp tới thị trường, đó là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Những quy định mới có thể giúp tháo gỡ các khó khăn mà thị trường bất động sản đang vướng phải.

Thứ hai, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ trong năm vừa qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đơn cử, Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419/712 dự án vướng mắc, tương đương 60% so với số lượng dự án ban đầu.

Tương tự, TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67/180 dự án vướng mắc, chiếm 37% số lượng dự án ban đầu, trong đó có 28 dự án được tháo gỡ theo hướng dẫn của Tổ công tác và 39 dự án do địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền.

TP Hải Phòng đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án, trong đó có 50 dự án nhà ở thương mại, 16 dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, TP Cần Thơ đã giải quyết được khó khăn cho 17 dự án, xử lý thu hồi 4 dự án và hiện đang tiếp tục triển khai tháo gỡ cho 31 dự án, trong đó có 20 dự án khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, 8 dự án liên quan đến định giá đất và 3 dự án gặp khó về thủ tục giao đất…

Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường bất động sản. Theo đó, ngành kinh doanh bất động sản trong năm 2023 đã thu hút được 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký nước ngoài (FDI). Bất động sản cũng là ngành thu hút FDI đứng thứ 2 trong 21 ngành kinh tế quốc dân.

Thứ tư, ngày càng có nhiều dự án nhà ở xã hội được phê duyệt, giải quyết “cơn khát” về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp. Riêng trong năm 2023, cả nước đã hoàn thành 28 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 13.800 căn.

Đồng thời, trong năm 2023 có 16 dự án mới được cấp phép và khởi công xây dựng với quy mô gần 22.400 căn.

Kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023. Trong đó, nguồn cung bất động sản trong quý III tăng trưởng rõ rệt so với quý trước.

Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng hơn 3 lần, số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở tăng khoảng 150%.

Ngoài ra, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 47 dự án với hơn 8.200 căn hộ, tăng 132% số căn hộ.

nhung dau hieu tich cuc co the giup bat dong san phuc hoi trong nam giap thin hinh 2
Thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023. (Ảnh: MSO)

Đối với Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 403.000 căn, nếu kịp hoàn thành đúng tiến độ, sẽ cơ bản đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ như mục tiêu Đề án đã đặt ra, góp phần trực tiếp tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân đối, phù hợp hơn.

“Các dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản và kết quả triển khai Đề án đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Để các dấu hiệu tích cực này cải thiện nhanh hơn, Bộ Xây dựng, các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết 33 cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, bám sát và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các địa phương và các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, với tinh thần trách nhiệm cao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương phải tiếp tục xem việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc của các dự án bất động sản theo thẩm quyền là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ứng phó và tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp điều hành thị trường bất động sản, đáp ứng mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững; Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc triển khai Đề án.

“Với việc tập trung, trách nhiệm, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nguồn cung nhà ở xã hội, sẽ được cải thiện và thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến, phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm