Những giải pháp hiệu quả để giảm chi phí điện dịp cao điểm nắng nóng
Nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ nhiều nơi lên tới hơn 40 độ C đã xảy ra ngay trong những ngày đầu tháng 5 khiến tiêu thụ điện tăng vọt. Cùng với đó, việc điều chỉnh giá điện thêm 3% từ đầu tháng Năm vừa qua cũng tạo thêm gánh nặng chi phí cho nhiều doanh nghiệp và người dân.
Vì vậy, để tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhiều khách hàng nhất là các hộ tiêu thụ điện năng lớn đã đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, sắp xếp hiệu quả các quy trình sản xuất nhằm giảm hóa đơn tiền điện.
Áp lực cao điểm mùa khô
Đợt nắng nóng gay gắt đầu tháng 5 vừa qua đã được xoa dịu bởi cơn mưa lớn trải dài khắp khu vực miền Bắc từ đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng 5. Nhưng, thời tiết mát mẻ sẽ chỉ kéo dài thêm vài ngày nữa trước khi trở lại chuỗi ngày dài nắng nóng. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8, số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc-Trung Bộ và nền nhiệt cũng cao hơn so với trung bình nhiều năm của cùng thời kỳ.
Nắng nóng, nhu cầu điện làm mát tăng cao. Thống kê cho thấy, những năm gần đây, hệ thống điện quốc gia liên tục lập những kỷ lục mới trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng ở miền Bắc năm sau tăng cao hơn năm trước.
Nếu như công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số vượt 42.000 MW vào ngày 21/6/2021, thì sau tròn 1 năm, phụ tải của hệ thống điện quốc gia đã lập đỉnh vào lúc 13h30 ngày 21/6/2022 với công suất đạt hơn 45.500 MW.
Đáng lưu ý, phụ tải điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đã chiếm tới hơn một nửa công suất điện tiêu thụ của cả nước.
Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC), trong 2 ngày 5-6/5, lượng điện tiêu thụ của toàn Thành phố liên tiếp lập đỉnh. Trong đó, ngày 6/5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh trước đó (ngày 5/5) và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Còn tại Hà Nội, ngày 5/5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ là 78,232 triệu kWh, sau đó tăng vọt lên 85,473 triệu kWh vào ngày 6/5.
Trong khi đó, công suất nguồn điện trong nội tại khu vực chưa tự cân đối được. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nhiều hồ thủy điện lớn, nhỏ trên hệ thống đang ở mực nước thấp, thậm chí đã có hàng chục hồ về dưới mực nước chết. Đó là chưa kể việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đổi mới để tiết kiệm năng lượng
Có thể thấy, giá điện đang chiếm một phần không nhỏ trong chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, do vậy, việc tiết kiệm điện và sử dụng hợp lý năng lượng cũng là cách để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, giá điện nằm trong cơ cấu chi phí của một doanh nghiệp, khi giá điện tăng buộc biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phải giảm, do vậy lãnh đạo tập đoàn cũng khuyến nghị các đơn vị thành viên thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng sản xuất, đặc biệt áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong trang thiết bị, máy móc sản xuất để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí.
Hiện nay các doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may đã chú trọng nghiên cứu, đưa ra nhiều cải tiến công nghệ, biện pháp quản lý sản xuất nhằm giảm thiểu tối đa mức tiêu hao năng lượng (chi phí đầu vào).
Đơn cử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Đức Giang, với nhà máy quy mô lớn đặt tại khu vực quận Long Biên, Hà Nội, từ nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn chú trọng đến các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) với sự hỗ trợ của ngành điện Hà Nội đã giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu suất công việc.
“Với hơn 5.000 máy may công nghiệp, hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng và quạt thông gió, trước đây, trung bình hàng tháng, chúng tôi phải chi trả khoảng 550-600 triệu đồng tiền điện. Sau khi tham gia chương trình DR, Công ty ước tính đã giảm được khoảng 20 đến 30% chi phí tiền điện, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường…” ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện cho biết.
Còn tại Tổng Công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ, May 10 xác định sẽ là một nhà sản xuất xanh, cụ thể là dùng năng lượng và nhiên liệu xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh, như sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế, đặc biệt là sử dụng Nhà máy xanh cho người lao động từ môi trường làm việc.
Tiếp đến là việc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng tự nhiên, hiện doanh nghiệp cũng đang tăng cường sử dụng điện áp mái Mặt Trời bằng việc ký kết với các tập đoàn năng lượng lớn để hợp tác cũng như giảm chi phí đầu tư nhằm mua điện với giá rẻ (hiện có 2 dự án ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và tới đây triển khai tại Hà Quảng (Cao Bằng) về điện năng lượng Mặt Trời).
Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều người dân cũng đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện nhằm tính toán hiệu quả các chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Theo ông Trần Phi Long, phường Đại Kim, quận Thanh Xuân (Hà Nội), mỗi tháng chi phí điện sinh hoạt bình quân khoảng 700.000 đồng/tháng. Những tháng cao điểm nắng nóng vừa qua, gia đình sử dụng quạt làm mát, điều hòa nhiệt độ nhưng luôn duy trì ở chế độ 27 độ C và thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị điện lạnh từ đầu mùa hạ nên những tháng nắng nóng vừa qua, chi phí tiền điện của gia đình tăng không nhiều.
Còn theo bà Vũ Thị Thanh Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khi sử dụng các thiết bị làm mát nhiều, gia đình hạn chế bật đèn, chủ yếu là tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay toàn bộ hệ thống đèn Led cho hệ thống chiếu sáng trong nhà. Còn hệ thống điều hòa khi sử dụng luôn duy trì ở nhiệt độ 26 độ C-27 độ C.
“Hóa đơn tiền điện của gia đình bình quân khoảng 1 triệu đồng/tháng, đến thời điểm chuyển mùa nắng nóng đỉnh điểm tăng lên 1,2 triệu đồng, nhờ sử dụng điện hiệu quả tiền điện chỉ biến động thêm khoảng 200.000 đồng vào cao điểm nắng nóng,” bà Hiền chia sẻ.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng nên không thể nằm ngoài xu thế của thế giới. Nhiều quốc gia đã và đang phải “chật vật” với nguồn cung khí đốt, chính sách tự chủ với nguồn cung năng lượng từ các thị trường xuất khẩu khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam khó tiếp cận hơn với nguồn nhập khẩu than, dầu, khí - là đầu vào cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp, dân sinh… Do đó, tiết kiệm là giải pháp quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam không thể chỉ mãi đứng về “phía cung” để bằng mọi cách phải đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng, mà phải tính tới “sự tới hạn của nguồn cung” để tính đúng, tính đủ cả về giá thành và khả năng nội tại trong sự chủ động về nguồn cung ấy.
Mỗi doanh nghiệp khi tham gia thị trường phải coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và mỗi người dân tự biết tiêu dùng tiết kiệm hơn cho chính khả năng chi trả của mỗi gia đình.
Nhất là khi giá bán lẻ điện cho các hộ gia đình đang được tính theo biểu giá điện bậc thang, nghĩa là người dùng điện càng nhiều thì giá mua điện sẽ càng tăng lên. Còn các hộ tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh đang tính theo “giờ cao điểm” và “giờ thấp điểm.” Chính sách này nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, sự đồng hành tiết kiệm điện của khách hàng đối với công tác đảm bảo điện của EVN rất quan trọng, bởi thực hiện được tiết kiệm điện thì ngoài việc giảm bớt khó khăn cho Tập đoàn trong vấn đề cung cấp điện, doanh nghiệp còn giảm bớt giá thành để nâng cao mức độ cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế./.