Những ngành học được miễn học phí
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, quy định đối tượng được miễn học phí cho sinh viên bao gồm các ngành: sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên thì sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên người dân tộc thiểu số mà có cha, mẹ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người cũng được miễn học phí, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại khoản 1, Điều 2, Nghị định 57/2017/NĐ-CP: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.
Các ngành sinh viên sẽ được giảm 70% học phí gồm: các ngành về nghệ thuật truyền thống và đặc thù về văn hóa - nghệ thuật như: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật biểu diễn dân ca, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật ca trù, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các ngành chèo, tuồng, cải lương, nhã nhạc cung đình, xiếc, múa; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định.
Ngoài các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (trừ dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.
Các đối tượng được giảm 50% học phí bao gồm: sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên sẽ được giảm 50% học phí tại các cơ sở đào tạo đại học công lập.
Tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Chính phủ trước 30/5/2023 để địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024, trong đó cần đánh giá một cách căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, địa bàn khó khăn để đảm bảo thực hiện chủ trương nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS.
Tiếp tục thúc đẩy xã hội hoá giáo dục, tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi; tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo; cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với cho các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực này.
Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Đồng thời, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...