1. Trang chủ /
  2. Những người thợ rèn vất vả mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng

Những người thợ rèn vất vả mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng

thứ hai, 22/5/2023 23:40 GMT+07
Dưới cái nắng gay gắt, hàng chục hộ dân tại làng nghề Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá vẫn phải mưu sinh với nghề sinh nhai.
Làm việc bên lò rèn, người thợ phải dùng đến những chiếc quạt công nghiệp để giảm sức nóng Làm việc bên lò rèn, người thợ phải dùng đến những chiếc quạt công nghiệp để giảm sức nóng

Làng rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng,… mà ít có vùng nào sánh được. Nghề rèn Tiến Lộc là làng nghề có lịch sử hàng trăm năm được cha truyền con nối, âm thầm bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một cho tới tận ngày nay.

Tháng 5/2023, bước vào những đợt nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, không khí oi bức khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Song những người dân tại làng nghề rèn truyền thống Tiến Lộc vẫn hàng ngày mưu sinh bên những lò lửa rực đỏ lên tới 1.000 độ C. Những ngày hè nắng nóng, làm việc bên những lò than đỏ rực khiến công cuộc mưu sinh của người dân làng rèn thêm cơ cực.

Nắng nóng, vất vả là vậy nhưng đây là nghề mưu sinh của nhiều lao động nên những ngày này người thợ vẫn miệt mài, hăng say làm việc bên lò lửa đỏ rực, để làm ra những con dao, cái cuốc... phục vụ khách hàng trên khắp cả nước.

nhung nguoi tho ren vat va muu sinh duoi thoi tiet nang nong hinh 2
Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn Tiến Lộc phải đổ nhiều hơn những giọt mồ hôi

Người dân làm nghề rèn ở xã Tiến Lộc thường thức dậy, bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ và kết thúc công việc lúc 19 giờ mỗi ngày. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến người làm nghề rèn càng thêm vất vả. Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn Tiến Lộc cũng phải đổ nhiều hơn những giọt mồ hôi.   

Anh Hoàng Ngọc Hải (thợ rèn tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, nghề rèn xuất hiện tại xã từ đời nào không rõ, anh chỉ biết nghề này đã được truyền từ đời này qua đời khác. Riêng anh, mấy chục năm nay gắn bó với nghề, anh ngại nhất là mùa nắng nóng, vì ngồi bên lò rèn ngoài sức nóng khủng khiếp, thì mùi khí than cũng làm cho thợ rèn có cảm giác vô cùng khó chịu.

nhung nguoi tho ren vat va muu sinh duoi thoi tiet nang nong hinh 3
Mặc dù vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập của công việc lại chưa tương xứng

Nhiều người dân tại làng rèn Tiến Lộc cho hay, so với nghề nông, nghề rèn vẫn cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, công việc rèn dao, rèn cuốc không chỉ mỗi đàn ông tham gia mà còn thu hút rất nhiều phụ nữ.

Được biết, để làm nên sản phẩm dao, cuốc... Tiến Lộc nổi tiếng khắp cả nước, những người thợ rèn tại đây đã phải trải qua rất nhiều công đoạn từ cán thép đưa vào lò nung... cho đến vào máy đập thành hình thù con dao, cái cuốc và suốt các quá trình này, người thợ rèn luôn phải ngồi bên cạnh lò lửa.

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nên những người thợ rèn đã phải trang bị thêm nhiều quạt máy, thông gió và nước mát để giữ sức khoẻ cũng như làm việc hiệu quả hơn. Đặc biệt, có những người thợ phải bật 2 - 3 chiếc quạt công suất lớn để làm giảm hơi lửa nóng nực phả ra từ lò.

nhung nguoi tho ren vat va muu sinh duoi thoi tiet nang nong hinh 4
Để làm ra con dao, cái cuốc người thợ rèn luôn phải ngồi bên cạnh lò lửa

Theo những thợ rèn ở đây, nghề rèn càng trở nên vất vả khi thời tiết nắng nóng. Mặc dù vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập của công việc lại chưa tương xứng. Tiền công của người lao động bình quân 200.000 - 250.000 đồng/ngày, những vị trí ở lò cán thép, công việc nặng nhọc, vất vả hơn thì công từ 270.000 - 280.000 đồng/ngày.

Hiện nay, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) có 3/5 làng có nghề rèn truyền thống gồm làng Ngọ, làng Sơn và làng Bùi. Nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.500 hộ/2.700 hộ tham gia, chiếm hơn 50% số hộ trong xã. Chưa kể các hộ đi làm ăn xa, mang nghề rèn đi khắp muôn nơi sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền đất nước. Cho dù có vất vả, khó nhọc, nhưng những người thợ rèn ở Tiến Lộc đời này qua đời khác vẫn luôn có ý thức phát triển và gìn giữ nghề của cha ông.