Những tháng ngày không thể quên…
“Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện dự thảo văn bản để trình Chính phủ ban hành”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại Tọa đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” được tổ chức tuần qua nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2…
Những hy sinh không thể đo đếm
Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch, từ suy giảm sức khỏe thể chất, lo lắng, trầm cảm đến sụt giảm thu nhập, phụ cấp.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trải qua 4 giai đoạn dịch bệnh COVID-19, mỗi giai đoạn có diễn biến khác nhau, tạo ra những thay đổi lớn trong công tác phòng, chống dịch. “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành Y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh”. Đến nay đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch, trong đó đã có 2 điều dưỡng, 1 bác sĩ nhiễm Covid-19 không qua khỏi.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện qua nhiều góc độ. Dịch bệnh ập đến, cuộc sống hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ phải rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch. Có những nhân viên y tế đã chuyển ra khỏi nhà do lo ngại sẽ mang virus về nhà, lây nhiễm cho con nhỏ, cha mẹ già, người thân.
Có những y, bác sĩ đã phải lùi thời gian kết hôn, hay câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch. Rồi những ban thờ vái vọng người thân khi qua đời do những nhân viên y tế không về được… “Hơn tất cả, những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch”, Thứ trưởng Tuyên bày tỏ.
Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xúc động: “Với cá nhân tôi đã theo dõi ngành Y tế rất lâu, tôi phải nói rằng chúng ta bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua”.
Khó khăn nhất là không giữ lại được người bệnh trên tay mình
Từ thực tế tuyến đầu chống dịch, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ - khó khăn lớn nhất của y, bác sĩ không phải là mệt mỏi, vất vả mà chính là khi người bác sĩ không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình. “Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2- 3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên. Tôi rất tự hào về các em! Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24h. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành Y”.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo COVID-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng COVID-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về COVID-19. Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài. Các y, bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị COVID-19, việc điều trị vẫn liên tục.
Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế dã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc. Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào “Trái tim hồng”, nhiều y, bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng “xắn tay áo” hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.
Rất nhiều y, bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm COVID-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống bệnh viện điều trị COVID-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động!”.
“Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế có thu nhập bằng như trước khi xảy ra đại dịch. Các bệnh viện khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản” và cho rằng, cần có hướng dẫn của Chính phủ càng sớm càng tốt để Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, chế độ tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành Y tế, tiền lương không chỉ nhằm nâng cao hơn năng suất, hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Theo ông Lợi, trước mắt cần sửa Nghị định 56 theo đề xuất của Bộ Y tế, để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. “Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ này”, ông Lợi cho hay.
Trao đổi về những giải pháp để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như các giải pháp bền vững lâu dài mà Bộ Y tế định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân viên y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Vừa rồi, dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn bản cũng cần có chế độ đãi ngộ… Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương.
Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Đây là điều mà các cán bộ, nhân viên y tế mong muốn đón nhận.
Theo đó, nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.
“Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện những dự án trình Chính phủ ban hành để việc tổ chức thực hiện”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.