Những trải nghiệm thú vị về ngày 'Cá tháng Tư' ở Hàn Quốc
Hình ảnh này do CJ CGV cung cấp cho thấy hình ảnh quảng cáo cho sự kiện Ngày Cá tháng Tư sắp tới của chuỗi đa kênh, chương trình này sẽ giảm giá cho những khách hàng mua vé tại chỗ sử dụng ngôn ngữ "nước ngoài" hoặc mặc trang phục nước ngoài. Ảnh: Yonhap
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các trò đùa ngày “Cá tháng Tư” ở Hàn Quốc được gọi là “Manujeol”, xuất hiện phổ biến nhất ở trong các lớp học. Thông thường, các bạn cùng lớp sẽ lập nhóm để thực hiện những trò đùa vui vẻ, chẳng hạn như xoay bàn học theo một hướng nhất định (ngược, sang trái, thậm chí là nghiêng) trước khi giáo viên đến. Hay có một trò chơi khăm cổ điển nữa là các học sinh mặc ngược đồng phục của mình (cài cúc ở phía sau) và sau đó ngồi quay lưng về phía giáo viên, nhìn giống như mặt bị tóc che lấp. Sinh viên năm thứ nhất đại học cũng có thể mặc đồng phục trung học cũ của họ đến trường. Ngoài ra còn có vô số “biến thể” của những trò đùa này, tuy nhiên các trò đùa dường như đã biến mất kể từ năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Các thần tượng K-pop ở Xứ sở Kim Chi cũng được biết đến là những tín đồ của ngày này, coi đây là cơ hội được “bước ra ngoài” sân khấu thông thường của họ để vui chơi trên mạng xã hội. Năm 2017, những người hâm mộ nhóp nhạc Gugudan bất ngờ khi phát hiện thông tin đăng ký của nhóm nhạc nữ yêu thích của họ trên Twitter đã được đổi thành "Câu lạc bộ Toán học" (Gugudan tiếng Hàn có nghĩa là Bảng cửu chương). Nhóm nhạc nữ Twice cũng thu hút sự chú ý của người hâm mộ vào cùng năm khi công bố một bài hát mới với liên kết dẫn lại bài hát đầu tay năm 2015 "Like Ooh-Ahh" và Mamamoo đã thay đổi hồ sơ chính thức của nhóm thành “Beggar, 59 tuổi” và yêu cầu người xem trả tiền. Jaejoong, một thành viên của nhóm nhạc nam JYJ (cựu thành viên của TVXQ), đã “đùa hơi quá” vào năm 2020 khi tuyên bố đã “ký hợp đồng” với COVID-19 và ngay sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi người hâm mộ.
Các công ty đôi khi cũng tham gia vào các “trò đùa” nhân ngày “Cá tháng Tư” nhưng thận trọng hơn. Một trong những chuỗi rạp chiếu phim lớn của Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng nhờ các chiến dịch khuyến mại như giảm giá cho những khách hàng mặc trang phục ngày “Cá tháng Tư”. Nhiều người thực sự đã hóa trang như siêu anh hùng, binh lính và quái vật trong phim kinh dị khiến một số trẻ em sợ hãi.
Trong thời đại của “tin tức giả mạo”, các cơ quan truyền thông Hàn Quốc cũng thận trọng với việc phát tán những trò lừa bịp trong ngày “Cá tháng Tư”. Tuy nhiên, có một trò đùa vẫn tiếp tục tái diễn từ năm này qua năm khác (kể từ năm 2001) là câu chuyện về một vụ lở đá nghiêm trọng tại núi Seorak ở khu vực bờ biển phía Đông Hàn Quốc. Năm nào cũng có tin đồn lan truyền rằng "Wobbling Rock", một tảng đá lớn trên núi Seorak trong Công viên Quốc gia, đã bị dịch chuyển và lăn xuống chân núi. Điều này thậm chí đã dẫn đến việc Dịch vụ Công viên phải đưa ra thông báo chính thức rằng tảng đá này chỉ có thể di chuyển vài cm và vẫn ở nguyên vị trí. Vào năm 2013, một trang web do chính phủ Hàn Quốc quản lý đã đăng một trò đùa nhân ngày “Cá tháng Tư” với tuyên bố rằng Seoul, nhờ thành công lan truyền của “Gangnam Style”, sẽ đổi tên thành Gangnam, hay: "Bây giờ chúng ta sẽ có bài hát hay nhất trên hành tinh!" do Phó Thị trưởng Seoul Hong Gil-dong công bố (một cái tên rõ ràng là giả vì Hong Gil-dong là tên của một anh hùng dân gian nổi tiếng).
Sau hai năm im ắng, nếu người Hàn Quốc lại quay lại với các trò đùa “Cá tháng Tư”, đó có thể là dấu hiệu cho thấy nhịp sống đang bình thường trở lại sau giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.