1. Trang chủ /
  2. Niềm tin mùa xuân

Niềm tin mùa xuân

thứ hai, 31/1/2022 10:43 GMT+07
(PLM) - Chúng ta đang “gấp lại” công việc năm cũ để về với tổ ấm gia đình, chuẩn bị cho công việc thiêng liêng tiễn biệt năm Tân Sửu, đón năm mới Nhâm Dần. Nguyên đán đã về với đất nước, quê hương, họ tộc, gia đình.

Tết Nguyên đán với người Á đông nói chung, người Việt nói riêng quá đỗi thiêng liêng. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu ai cũng mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, mở cánh cửa nhà thờ Tổ, bước đi trên những con đường năm tháng, thắp hương cho người quá cố ở nghĩa trang. Giếng nước, mảnh sân nhà, vườn cây, ao cá… làm ta bồi hồi như được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu.

“Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Những khó khăn, gian khổ dặm đường trở thành “chuyện nhỏ”. Tết đến luôn đi cùng muốn về với quê hương, cố thổ, dù cuộc sống có thay đổi đến thế nào, xa xôi dặm trường đến mấy. Không chỉ người trong nước làm ăn xa quê, mà nó còn là khát khao của hàng triệu đồng bào là Việt kiều làm ăn, sinh sống xa Tổ quốc.

Nguyên đán, đối với mỗi người dân đất Việt còn là Tết “Mừng Đảng – Mừng Xuân – Mừng đất nước”. Một năm không chỉ khởi đầu từ mùa xuân. Tết đến, Xuân về còn là dịp trái tim người Việt hướng về Đảng thân yêu. Được thành lập vào mùa xuân năm 1930, Xuân này, chúng ta kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2022). Trong 92 năm qua, trên lá cờ vinh quang của Đảng, con người được đặt ở vị trí trung tâm, được xác định là mục tiêu và động lực của cách mạng.

Năm 2021 với biết bao lo toan từ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đến mỗi người dân, sắp qua. Nhìn lại, tất thảy mọi người dân “Con Lạc, cháu Hồng” đều rất vui mừng. Đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong cuộc chiến đấu cam go với “thảm họa toàn cầu” này, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước đã có những nỗ lực lớn lao vì tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của nhân dân.

Xuân về, chúng ta lại càng thêm nhớ Bác. Sinh thời, Bác luôn quan tâm Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng. Người vẫn thường nói: “Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc”. Vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ (Hà Nội), đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm.

Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi Tết mà không có Tết”. Sáng Mồng một Tết, Bác mời Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở vì không thực hiện tốt thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết. Từ đó đến lúc về với thế giới người hiền, Tết năm nào Người cũng quan tâm đến việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Phát huy truyền thống tốt đẹp Đảng và Bác Hồ đã dày công xây dựng, những ngày này các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang đến mọi vùng, miền thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách, người có công, gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Từ cuối năm 2021, những con tàu lớn đã rời Quân cảng Cam Ranh, mang theo tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) phục vụ quân và dân nơi đảo xa đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ở các tỉnh, thành phố, từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhiều phần quà ý nghĩa, thiết thực đã và đang được chuyển đến đúng đối tượng cần hỗ trợ nhằm đem đến một cái Tết đầy đủ, ấm áp. Để tất cả mọi người đều có Tết cũng là một thành tố của nhân văn Việt Nam.

Tết gần như là “sinh nhật” của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi, vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau “thêm một tuổi”. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khỏe để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn lãnh đạo và ngược lại, trong mối quan hệ tương sinh, đồng hành, phát triển. Chúng ta cảm ơn Đảng và Nhà nước qua một năm “chèo lái” đất nước; cảm ơn các chiến sỹ Quân đội nhân dân đang ngày đêm vững chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo; cảm ơn các chiến sỹ Công an nhân dân đã và đang “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi” trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Khép lại Tân Sửu 2021, mở ra năm mới Nhâm Dần 2022. Trong bức thư gửi học sinh năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Lời Bác dạy năm xưa không chỉ nhắc nhở tuổi trẻ mà còn lời nhắc nhở chung mỗi người cần phải hành động, chung sức, đồng lòng cho tràn đầy mùa xuân đất nước – Niềm tin mùa xuân.