1. Trang chủ /
  2. Nợ 1,9 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thế nào?

Nợ 1,9 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thế nào?

thứ tư, 4/10/2023 12:15 GMT+07
Quy mô tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, theo báo cáo của Chính phủ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022, gửi Quốc hội.

Tại báo cáo này thông tin cụ thể “sức khỏe” của 827 doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước tính đến cuối năm 2022. Trong đó, 478 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn, 198 đơn vị Nhà nước giữ 50% vốn; còn lại 151 doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước.

Nắm giữ nguồn lực lớn, lãi trước thuế tăng 23%

Theo đánh giá của Chính phủ, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chiếm 0,08% về số lượng trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp.

“Quy mô tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động”, Chính phủ nêu.

Hầu hết chỉ tiêu tài chính của 676 doanh nghiệp (có vốn Nhà nước từ 50% trở lên) đều tăng so với 2021 như, tổng tài sản tới hết năm 2022 gần 3,82 triệu tỷ đồng (tăng 4%); vốn chủ sở hữu tăng 3%, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng tăng 3% so với 1 năm trước đó, khi đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này ghi nhận lãi trước thuế tăng 24%, đạt 241.165 tỷ đồng; tỷ suất lãi trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân 13%, tăng 2% so với 2021.

Chính phủ cũng thông tin, khoảng 9% doanh nghiệp Nhà nước có lỗ phát sinh, khoảng 29.456 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lỗ lũy kế chiếm 21%, hơn 69.890 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%.

Riêng số tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nợ phải trả tăng 4% so với 2021, trên 1,43 triệu tỷ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.

11 công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại trong nước là 443.318 tỷ đồng, tăng 3% so với 2021.

Có 3 công ty mẹ huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế giá trị trái phiếu đã phát hành là 5.390 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét ở chỉ tiêu hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp Nhà nước là 1,09 lần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nợ vay để chi cho các hoạt động.

Lo đóng góp vào nền kinh tế sẽ “rất hạn chế”

Nhiều hạn chế trong đầu tư, kinh doanh được Chính phủ chỉ ra, như một số chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp Nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định tới hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, như công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế (sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất, công nghệ nguồn…).

“Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản”, báo cáo nêu.

Đáng lưu ý, có một số dự án “lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ”.

Hiện tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước vào GDP khoảng 29%. Việc ít các dự án đầu tư mới (nguồn động lực tăng thêm) trong thời gian qua, sẽ khiến đóng góp của khu vực này với nền kinh tế trong 5 năm tới sẽ “rất hạn chế", theo Chính phủ.

Trong số các nguyên nhân chủ quan, Chính phủ cho rằng, do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Nhất là, còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.

Trong khi đó, hiện chưa có chế tài để răn đe, xử lý trách nhiệm người đứng đầu không hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn. Cơ chế, vướng mắc thể chế chậm được tháo gỡ, ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn, cổ phần hoá tại doanh nghiệp.

Giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành
Để phát huy đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước vào nền kinh tế, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trọng tâm là sửa Luật 69/2014, trong đó bổ sung quy định vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp vào hoạt động, quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ nêu hướng sửa đổi luật.
Sửa luật này cũng phân cấp, phân quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị gắn với trách nhiệm giải trình người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp; đổi mới cơ chế tiền lương, thủ lao người lao động, quản lý.
“Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính cần được giải quyết dứt điểm, đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính”, Chính phủ nêu rõ.