Nỗ lực “phủ sóng” bảo hiểm y tế đến đồng bào dân tộc thiểu số
Chung tay hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT
Luôn được ví như “phao cứu sinh” có vai trò quan trọng đối với mỗi người dân, giúp họ được bảo đảm, chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau, cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị ốm đau, tai nạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi có Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh.
Với mong muốn tất cả mọi người dân, nhất là bà con ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo đều được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe, nỗ lực “phủ sóng” BHYT toàn dân đã và đang được đẩy mạnh triển khai, thực hiện.
Tuy nhiên, sự thay đổi về chính sách hỗ trợ mua BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tác động đến một bộ phận không nhỏ bị cắt giảm BHYT. Điều này gây khó khăn cho việc nâng cao tỷ lệ bao phủ khi đời sống kinh tế người dân chưa được cải thiện và chưa thích ứng với việc phải tự bỏ kinh phí mua BHYT. Từ đó duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT tại các địa phương, nhất là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là thách thức không hề nhỏ.
Nhận thấy được khó khăn, hạn chế, những năm qua, nhằm đưa các chính sách, pháp luật về BHYT vào cuộc sống, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Những thông tin về chính sách BHYT, BHXH liên tục được phổ biến tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về BHYT, mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới BHYT toàn dân.
Đồng thời, ngành BHXH kêu gọi, huy động sự chung tay vào cuộc của các cá nhân, nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp… hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động bởi thay đổi chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Góp phần giúp người dân giảm bớt khó khăn
Hàng năm, BHXH Việt Nam đã và đang phát động chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn cao đẹp nhằm chung tay hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để họ được chăm sóc sức khỏe, chia sẻ gánh nặng chi phí khi ốm đau, bệnh tật.
Đơn cử như tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ia Sao là xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, nên nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, các đối tượng ưu tiên khác không còn được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong xã chiếm 46% (hơn 4 ngàn người), thu nhập cũng như trình độ dân trí không đồng đều dẫn tới khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua BHYT. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nhưng vẫn chưa mua được thẻ BHYT, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, kinh tế của các hộ dân khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.
Ngày 5/1, tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, BHXH tỉnh Gia Lai phối hợp Bệnh viện Quân y 15 - Binh đoàn 15 trao tặng 321 thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi của 4 xã trên địa bàn huyện. Theo đó, ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, Bệnh viện Quân y 15 hỗ trợ kinh phí hơn 31 triệu đồng để mua tặng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 1,39 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 72 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số toàn tỉnh. Trong năm qua, BHXH tỉnh Gia Lai cũng đã vận động được hơn 5.200 thẻ BHYT tặng đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Trao đổi với truyền thông, ông Đào Trọng Diễn - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 15 - cho biết, đợt này 321 người dân tộc thiểu số từ đủ 60 đến dưới 80 tuổi ở 4 xã Ia Sao, Ia Hrung, Ia Yok, Ia Bă được tặng thẻ BHYT. Đây là các xã không còn trong danh sách xã thuộc khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 31 triệu đồng (sau khi trừ số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định). “Việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT nhằm giúp người dân giảm bớt khó khăn khi khám, chữa bệnh, qua đó giúp bà con thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT để hàng năm trích một phần kinh phí mua BHYT, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện”, theo ông Diễn.
Trước đó, tại xã Đội Bình và xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trên 120 thẻ BHYT đã được trao tặng cho người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn huyện Yên Sơn. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN và tặng thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn do BHXH tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viettel Tuyên Quang tổ chức. Hoạt động nhằm góp phần sẻ chia, động viên những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống...
Ngoài các địa phương nói trên, trên địa bàn cả nước từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều chương trình, hội nghị đã được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2023 và “Mang Tết ấm đến với người nghèo - Xuân Giáp Thìn” do BHXH Việt Nam tổ chức. Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Có thể thấy, chương trình tặng thẻ BHYT đã giúp cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức về ý nghĩa nhân văn của việc tham gia BHYT. Qua đó giải quyết được những khó khăn về kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, góp phần thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.