'Nợ nước non': Thời niên thiếu bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên là đạo diễn vở ca kịch 'Nợ nước non.' (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Liên Việt tổ chức họp báo ra mắt tác phẩm kép là vở ca kịch và cuốn tiểu thuyết “Nợ nước non” về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.
Tiểu thuyết “Nợ nước non” dày hơn 220 trang, là tập 1 trong bộ tiểu thuyết 3 tập mang tên “Nước non vạn dặm.”
Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, với những hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về tác phẩm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
“Điều đặc biệt là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không 'kỳ bí hóa' hay 'thần thánh hóa' một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó, mà ông đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung, song vẫn đủ tinh tế để bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả Nguyễn Thế Kỷ không đi ngược lại những gì mà nhà văn Sơn Tùng hay những nhà văn khác đã viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trái lại, ông Nguyễn Thế Kỷ đã mở rộng chiều kích tâm hồn con người và tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Nguyễn Thế Kỷ đã dựng nên con người Hồ Chí Minh có một tuổi thơ như bao cậu bé khác trên cuộc đời này. Nhưng tư chất của một con người để sau này trở thành một vĩ nhân được hiện lên từng bước theo thời gian với những tác động của gia đình, của đời sống, của văn hóa và lịch sử thời cậu bé Cung thật thuyết phục,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Ông cho rằng tác giả đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc để từ đó có sự phát triển trong những tập tiếp theo của tác phẩm “Nước non vạn dặm.”
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ và nhóm nghệ sỹ tham gia vở kịch hát 'Nợ nước non.' (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phần 2 và phần 3 của tác phẩm dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023-2024 với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” và “Người về.” Tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế…
Vở “Nợ nước non” là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài chòi và dân ca Nam bộ. Vở diễn do nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam làm đạo diễn.
Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên như bé Anh Đức (Nguyễn Sinh Cung), Minh Hải (Nguyễn Tất Thành), Như Quỳnh (bà Hoàng Thị Loan), Mạnh Hùng (Nguyễn Sinh Sắc), Ngân Hà (Út Huệ)…
Thiết thực kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022), vở diễn “Nợ nước non” sẽ ra mắt công chúng ngày 19-20/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội./.