1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh

thứ năm, 7/9/2023 22:14 GMT+07
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh. “Toàn thế giới này, người ta gọi là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, cấp cao, tối cao”.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Đ.X

Ngày 7/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Dự thảo Luật TAND (sửa đổi).

“Tòa án phải đứng thẳng”

Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện.

Đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp không đồng tình với quy định này. Bởi việc “đổi tên” các tòa án này nhưng thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí. Độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, kinh nghiệm quốc tế, không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh. “Toàn thế giới này, người ta gọi là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, cấp cao, tối cao”, ông nói.

Dự thảo luật cũng sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Bởi theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện không có quốc gia nào giao cho tòa án thu thập chứng cứ.

“Toà án là phải đứng thẳng. Toà thu thập chứng cứ có lợi cho nguyên đơn thì lệch về bên nguyên, chứng cứ có lợi cho bên bị thì lệch về bên bị. Không cho toà thu thập chứng cứ để bảo đảm khách quan.

Mặc khác, nếu tòa án thu thập chứng cứ, sau đó xét xử trên chính chứng cứ mình thu thập thì có thể bỏ quên các chứng cứ khác. Như vậy không được”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Ông Bình nói thêm, dự thảo luật đã quy định tòa án có 2 nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ với trường hợp đương sự là người yếu thế.

Dự thảo luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.

Giải thích về điều này, ông Bình nhấn mạnh tư pháp theo nguyên lý suy đoán vô tội. “Ông trả hồ sơ để điều tra cho ra tội phạm và khởi tố tại toà thì đó là nền tư pháp không phải theo nguyên lý suy đoán vô tội mà là tư pháp truy tố đến cùng, kết tội đến cùng”, theo Chánh án TAND Tối cao.

Ông Bình cho hay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu việc khởi tố của tòa án sai thì viện kiểm sát sẽ kháng nghị. Thực tế, khởi tố xong không có quyết định khởi tố nào bị kháng nghị, nghĩa là khởi tố đúng, nhưng khởi tố đúng xong thì không có ai điều tra cả.

Ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán cấp huyện

Chánh án TAND Tối cao cũng dành thời gian nói về những quy định liên quan đến đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp.

Trong đó, dự thảo luật đề xuất rút gọn xuống còn 2 ngạch thẩm phán (gồm thẩm phán và thẩm phán TAND Tối cao) thay vì 4 ngạch như hiện hành (thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND Tối cao).

Theo ông Bình, đề xuất này xuất phát từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi chỉ quy định 1 ngạch thẩm phán và các thẩm phán bình đẳng với nhau. Đây còn là ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán công tác ở các tòa án cấp huyện.

“Có nhiều người từ khi vào ngành đến khi nghỉ hưu, suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp. Trong khi, người dân thì nói thẩm phán sơ cấp xử không tin được, phải thẩm phán cao cấp xử mới tin”, ông Bình chia sẻ.

Giải thích bậc của thẩm phán, ông Bình cho hay, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc, tham khảo quy định của lực lượng vũ trang.

Dự thảo luật quy định Chánh án TAND Tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch thẩm phán TAND Tối cao. Thẩm phán TAND Tối cao có 3 bậc (từ bậc 1 đến bậc 3; thời gian nâng bậc là 5 năm). Thẩm phán có 9 bậc từ bậc 1 đến bậc 9.

Chánh án TAND Tối cao cũng chia sẻ nhiều vướng mắc từ thực tiễn như bổ nhiệm Phó Chánh án TAND Tối cao, luật hiện hành quy định là phải lấy từ thẩm phán TAND Tối cao.

Dự thảo mở ra lấy từ nguồn thẩm phán TAND Tối cao hoặc các thẩm phán đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, nhưng quy định này hiện còn ý kiến khác nhau.

“Nhiều bộ, ngành, giám đốc các sở được bổ nhiệm làm thứ trưởng. Viện kiểm sát cũng cho phép bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao từ Viện trưởng Viện KSND Cấp cao, sau đó hoàn chỉnh kiểm sát viên tối cao. Riêng Chánh án địa phương không thể bổ nhiệm được làm Phó Chánh án TAND Tối cao”, ông Nguyễn Hòa Bình mong các đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành Toà án trong thực tiễn.