1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): Chuẩn bị kỹ, ban hành sớm nhưng không vội vàng

DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): Chuẩn bị kỹ, ban hành sớm nhưng không vội vàng

thứ năm, 22/9/2022 12:00 GMT+07
Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật có tính chất xương sống của ngành Y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như các cơ sở y tế, cán bộ y tế. Do đó, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng, đảm bảo luật sau khi được ban hành có tuổi thọ lâu dài.

Đánh giá kỹ tác động của những nội dung mới

Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (sửa đổi). Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, qua rà soát, so với dự thảo mà Chính phủ trình QH tại kỳ họp trước, dự thảo luật hiện nay tăng thêm 13 điều, với nhiều nội dung. “Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động hoặc giải trình cụ thể đối với từng nội dung đã có sự thay đổi hoặc bổ sung mới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số nội dung trong dự thảo Luật chưa đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, như quy định tại Điều 101 dự thảo Luật, theo đó quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá KCB cụ thể đối với các cơ sở KCB của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Song, theo quy định hiện hành, có ba chủ thể có thẩm quyền quy định giá, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế; HĐND cấp tỉnh và cơ sở KCB kê khai giá. Do đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ KCB đảm bảo thống nhất với các luật liên quan.

Cũng liên quan đến giá dịch vụ KCB, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu để thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. “Nghị quyết 33/NQ-CP 2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức đã giao Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ này rồi. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số các yếu tố khách quan dẫn đến việc khung giá dịch vụ này chưa được ban hành, cho nên việc thí điểm thực hiện tự chủ của 4 bệnh viện chưa được như mong muốn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chỉ rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng chỉ ra rằng, quy định về thử nghiệm lâm sàng trong KCB là nội dung mới mà Ban soạn thảo mới đề nghị bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhận định đây là vấn đề chuyên môn rất quan trọng, ông Hoàng Thanh Tùng tán thành với ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội, theo đó đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định. “Cần thì rất cần nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói. Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, rất nhiều vấn đề bức xúc trong hoạt động của các cơ sở KCB, mong mỏi của người bệnh trông chờ Luật này ban hành sớm để có thể tháo gỡ được, đảm bảo tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, giữa yêu cầu về chất lượng và thời gian, cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.

Quy định về xã hội hóa phù hợp với thực tiễn

Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ KCB; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở KCB. Báo cáo tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn khi nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. “Dù xã hội hóa nhưng y tế công lập vẫn là chủ yếu, vai trò của Nhà nước trong đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực y tế vẫn là trọng tâm”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, đây là chủ trương đúng; việc triển khai thời gian qua vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực KCB, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện. Về lý do vừa qua có một số đơn vị xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, bà Đào Hồng Lan lý giải, Nghị quyết chỉ cho thí điểm trong hai năm và sẽ chuyển đổi khi pháp luật về tự chủ đã được quy định. “Thời điểm này chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ, nên xin dừng Nghị quyết 33 để chuyển sang thực hiện theo pháp luật đã được Chính phủ cho phép là một việc hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật”, bà Đào Hồng Lan nói.

Biện pháp bảo vệ cán bộ y tế cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Điều 109 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các cơ sở KCB. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đây là quy định rất cần thiết để phúc đáp yêu cầu thực tiễn. “Đây là vấn đề rất bức xúc, chúng tôi tán thành với việc cần phải có những giải pháp hiệu quả để chúng ta có thể xử lý được vấn đề này và vấn đề đấy phải quy định trong Luật này”, ông Tùng nói. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng, rất cần thiết phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và phải có biện pháp thực hiện cụ thể.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)