1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM (28/8/1945 - 28/8/2022) SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: Tăng cường quản lý công chứng viên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM (28/8/1945 - 28/8/2022) SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: Tăng cường quản lý công chứng viên

thứ hai, 15/8/2022 11:38 GMT+07
(PLM) - Bộ Tư pháp cho rằng, hiệu quả quản lý hoạt động công chứng phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển số lượng các tổ chức hành nghề công chứng cũng như chất lượng của mỗi tổ chức này khi thành lập. Tuy nhiên, “chìa khóa” của hai vấn đề mấu chốt này lại nằm trong tay UBND các tỉnh, thành phố.

Thách thức trong kiểm soát thành lập mới các văn phòng công chứng

Báo cáo tổng kết 7 năm thi hành Luật Công chứng (LCC) 2014 Bộ Tư pháp cho biết, đến nay, cả nước có 1.298 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 1.167 tổ chức (tăng hơn 02 lần).

Hiện tại, tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Nhiều văn phòng công chứng (VPCC) đã đầu tư xây dựng hệ thống quản trị, điều hành của văn phòng theo hướng chuyên nghiệp, đổi mới cả về ý thức, thái độ phục vụ và quy trình, cách thức, thời hạn giải quyết công việc...

Tổ chức và hoạt động của các phòng công chứng cũng được các địa phương quan tâm thực hiện bảo đảm chủ trương tinh gọn đơn vị sự nghiệp gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai trong hoạt động công chứng bước đầu có kết quả.

Bộ Tư pháp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là tại các địa phương về công chứng còn chưa thực sự hiệu quả, sâu sát, trong đó việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn hạn chế, chưa phát hiện và xử lý dứt điểm những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín nghề công chứng, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong đội ngũ công chứng viên (CCV) và tạo dư luận xã hội không tốt.

Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, quy hoạch công chứng bị bãi bỏ thì ở các địa phương, hoạt động thành lập VPCC được vận động và thực hiện rầm rộ, sôi nổi, đặt ra một thách thức lớn trong việc quản lý các TCHNCC. Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực để kiểm soát việc thành lập mới các VPCC; nhiều tỉnh, thành ban hành các tiêu chí thành lập mới VPCC với những đòi hỏi rất khắt khe, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi “bịt” chỗ này lại “phình” chỗ kia.

Giảm thiểu các rủi ro do tình trạng phát triển tự phát

Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý ngành, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bộ Tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống công chứng hoạt động có hiệu quả, có chất lượng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Hiệu quả quản lý của Bộ Tư pháp trong quản lý hoạt động công chứng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển số lượng các TCHNCC cũng như chất lượng của mỗi tổ chức này khi thành lập. Tuy nhiên, chìa khóa của hai vấn đề mấu chốt này lại nằm trong tay UBND các tỉnh, thành phố, thậm chí phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Quyết định cho ai thành lập VPCC, thành lập ở đâu, số lượng là bao nhiêu, tiêu chí như thế nào hoàn toàn thuộc quyền quyết định của UBND các tỉnh, thành phố.

Nguyên nhân được chỉ ra do bất cập từ quy định của LCC 2014 có quy định việc thành lập TCHNCC phù hợp với quy hoạch, tuy nhiên khi Luật sửa đổi 11 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực thì toàn bộ quy định liên quan đến quy hoạch TCHNCC đều bị bãi bỏ. Việc cắt bỏ quy định về quy hoạch lại không đi đôi với việc bù đắp bằng một công cụ quản lý hữu hiệu khác đã tạo khoảng trống về công cụ quản lý nước đối với nội dung này.

LCC 2014 quy định khá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV, tuy nhiên, trong các quy định có liên quan, như quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của TCHNCC thì lại không hề quy định về vị trí, vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển hoạt động công chứng đúng hướng, được điều tiết hợp lý, sửa đổi LCC, Bộ Tư pháp cho rằng cần xác định công chứng là một nghề đặc thù, cần sự điều tiết và quản lý chặt chẽ của nhà nước với đối tượng trọng tâm quản lý là CCV kết hợp với việc tăng cường các công cụ quản lý phù hợp, hiệu quả đối với các TCHNCC; quy định phù hợp hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội nghề nghiệp để bảo đảm thực hiện vai trò quan trọng nhất của tổ chức này là vai trò tự quản nghề nghiệp và đạo đức hành nghề của CCV chứ không phải là vai trò quản lý.

Việc phát triển hoạt động công chứng có định hướng, có sự điều tiết của Nhà nước sẽ giúp hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời giảm thiểu các rủi ro không thể thể lường trước do tình trạng phát triển tự phát gây ra các thiệt hại về kinh tế.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 227 ra ngày 15/8/2022)