Nỗi lo mất việc vì đơn hàng giảm
Chị Nguyễn Thu Thủy - công nhân may Công ty TNHH LONGWELL (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết đối với ngày thứ bảy, công nhân nào còn phép năm thì DN sẽ trừ vào phép năm. Với những công nhân đã hết phép năm, DN cho nghỉ chờ hàng nhưng vẫn được hưởng lương. “Tôi mong đơn hàng dồi dào và ổn định trở lại vì cắt giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Trong khi hai vợ chồng công nhân thu nhập khoảng 13 - 14 triệu đồng/tháng, đã rất khó khăn khi nuôi 2 con ăn học” - chị Thủy nói.
Còn theo bà Đặng Thị Thơm - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), với hơn 10.000 lao động, những tháng gần đây, 30% đơn hàng sản xuất bị giảm. Hiện DN chỉ tổ chức cho người lao động tăng ca 3 tiếng/tuần. Dự tính, trong tháng 9, tháng 10, DN sẽ cho lao động nghỉ phép năm vào ngày thứ bảy hàng tuần.
Trong khi đó, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ cũng đối diện với khó khăn. Ông Trần Văn Quang - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương thông tin, đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ và EU liên tục giảm mạnh từ 60 - 70%, DN đang sản xuất cầm chừng bằng 1/5 - 1/7 so với trước. Cụ thể, trước đây công ty xuất 100 container/tháng giờ còn 15 - 17 container/tháng. Đơn hàng giảm mạnh khiến lãnh đạo DN phải cắt giảm lực lượng lao động trực tiếp khoảng 70%, cắt giảm 20% nhân viên văn phòng. Tương tự, ông Trần Hoài Hữu - Giám đốc Công ty Gia Nhiên, chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, cho hay, đơn hàng sụt giảm đến 70%. Thiếu đơn hàng sản xuất, không có việc làm buộc công ty phải cắt khoảng 50% lực lượng lao động sản xuất trực tiếp và 20% nhân viên văn phòng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 chỉ đạt 1,3 tỷ USD (giảm 7,1% so với cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 845,9 triệu USD (giảm 9,7% so với cùng kỳ). Đây là tháng đầu tiên ngành gỗ tăng trưởng âm trong vòng hơn một năm trở lại đây. Để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm thời gian sản xuất, bố trí cho công nhân làm luân phiên, giảm số lao động khối văn phòng.
Thực tế cho thấy DN sản xuất đang phải đối mặt với khó khăn. Nếu cho lao động nghỉ vào thời điểm này đến khi có đơn hàng lại không tuyển dụng được. Hiện DN đang phải vừa giữ chân lao động vừa tìm kiếm đơn hàng mới. Vì vậy, DN rất mong sự hỗ trợ của Chính phủ xúc tiến những thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ trông đợi vào những thị trường truyền thống.