Nỗi lo ô nhiễm tiếng ồn ngày Tết
“Chạy trốn” tiếng ồn
Chị Trương Thanh Thủy, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay sau khi đi thăm hai bên nội, ngoại cũng ở TP Hồ Chí Minh thì gia đình chị đã chọn một khu villa nhỏ ở Ninh Thuận để “trú ngụ” trong mùa Tết. Một trong những lý do thôi thúc cho quyết định này là tình trạng quá ồn ào trong xóm nhỏ nhà chị vào dịp này.
Chị Thủy chia sẻ: “Nếu như ngày thường, chỉ cuối tuần hàng xóm mới tổ chức nhậu nhẹt, hát karaoke thì ngày Tết, hoạt động này kéo dài suốt cả tuần, từ tất niên cho đến sau 3 mùng. Không chỉ một nhà, mà là 3, 4 nhà chung quanh. Nhà tôi ở giữa, không ăn nhậu, hát hò gì mà “lãnh đủ” hết mọi thể loại ồn ào từ các nhà hàng xóm vọng sang, có đóng cửa cũng không cách âm nổi.
Năm ngoái, sau khi chịu đựng suốt mấy ngày, cả nhà chúng tôi đã quyết tâm năm nay sẽ chọn ăn Tết xa nhà để hưởng một cái Tết bình yên, vui vẻ, không tiếng ồn. Nếu những các năm sau cũng vẫn tình trạng này, có lẽ chúng tôi sẽ chấp nhận xa nhà mùa Tết dài dài”.
Thời điểm này, trên mạng xã hội cũng bắt đầu “nóng” đề tài tiếng ồn ngày Tết, khi nhiều người chia sẻ những lời than thở, mối lo lắng phải chịu một cái Tết ồn ào. Có thể thấy, Tết thường là thời điểm mọi người mong chờ để tận hưởng không khí vui tươi, sum vầy bên gia đình và bạn bè, nhưng nhiều người đã dùng lý do này để tổ chức những hoạt động náo nhiệt, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến những người chung quanh.
Cạnh đó còn có một số hàng quán, cơ sở kinh doanh tận dụng Tết để “khai thác triệt để” việc kinh doanh bằng âm nhạc. Tiếng ồn từ các bữa tiệc karaoke, buổi nhậu hò hét không chỉ phá vỡ không khí yên bình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của cộng đồng.
Theo các chuyên gia, những âm thanh ồn ào có thể dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sự tập trung. Các bài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như tai nạn mạch máu, giảm thính lực, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ô nhiễm tiếng ồn từ sự thiếu ý thức của một bộ phận cư dân khiến cho những ngày Tết đáng ra là thời gian nghỉ ngơi bỗng trở thành sự mệt mỏi, chịu đựng của một số người dân.
Không chỉ thế, sự ồn ào quá đáng đôi khi còn gây mất tình làng nghĩa xóm, khiến những người đáng lẽ thân cận, quý mến trở thành ghét bỏ, thù địch nhau, thậm chí đã xảy ra không ít vụ ẩu đả gây thương tích cũng từ tiếng ồn do ăn nhậu, hát karaoke loa thùng mà ra.
Xử lý như thế nào?
Trên thực tế, ở thời điểm ngày thường, hầu hết những buổi tiệc nhậu hay hát hò đều tuân thủ quy định, không quá khuya. Tuy nhiên, dịp Tết, nhiều người lấy lý do “một năm mới có một lần” để tổ chức tiệc tùng ồn ào với âm thanh lớn đến tận khuya, khi được nhắc nhở thì phản ứng, yêu cầu người chung quanh phải thông cảm cho mình.
Cạnh đó, tại nhiều khu dân cư, người dân chấp nhận chịu đựng tiếng ồn để dĩ hòa vi quý, khiến những người thiếu ý thức “được nước làm tới”. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vì thế kéo dài không chỉ trong dịp Tết mà cả các dịp nghỉ lễ, ngày thường, gây giảm sút chất lượng sống, mất trật tự trị an.
Pháp luật đã có quy định về vấn đề gây mất trật tự, ồn ào trong khu dân cư. Như Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi như gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Bên cạnh đó, người bị xử phạt còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, như thiết bị phát thanh, micro và loa phát thanh gây ồn khi karaoke. Khoản 1 Điều 68, khoản 1 Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hướng dẫn, người dân có thể đến trình báo cho Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan công an nơi cư trú về sự việc.
Tại TP Hồ Chí Minh, Tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin tại địa bàn thành phố trên mục phản ánh, góp ý lĩnh vực an ninh trật tự đô thị cũng tiếp nhận và xử lý vấn nạn tiếng ồn từ ăn nhậu, karaoke loa thùng. Đây cũng là một kênh phản ánh hiệu quả cho người dân. Thời điểm Tết Nguyên Đán 2023, từ sự phản ánh đến tổng đài, nhiều hộ dân gây ồn ào đã bị xử lý, trả lại thanh bình cho những khu phố.
Có thể thấy, để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn ngày Tết, cần thực hiện nhiều giải pháp cả ở khía cạnh quản lý lẫn cư dân. Việc chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, không “du di” vào những ngày Tết là rất cần thiết. Việc tăng cường thông tin và nhận thức về ảnh hưởng của tiếng ồn đối với sức khỏe cộng đồng cũng quan trọng để mọi người có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn sự yên bình.
Về phần người dân, mỗi người, mỗi gia đình cũng cần nâng cao ý thức pháp luật để hạn chế gây ra những hành vi ồn ào ảnh hưởng đến người khác, đồng thời quyết liệt nhờ đến sự can thiệp của pháp luật khi bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những hành vi vi phạm.