1. Trang chủ /
  2. Nỗi nhớ vòng tròn bất tử Gạc Ma

Nỗi nhớ vòng tròn bất tử Gạc Ma

thứ hai, 24/7/2023 20:56 GMT+07
Tròn 35 năm lịch sử khắc ghi trận hải chiến Gạc Ma, trong lòng những người mẹ, người cha, người thân và bao đồng đội, người dân vẫn nhớ về các anh - 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì bình yên biển đảo Tổ quốc…
Mẹ Lan vái vọng vong linh 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. (Ảnh: PV) Mẹ Lan vái vọng vong linh 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. (Ảnh: PV)

Tháng 8/2008, ngư dân đã đưa lên được 4 bộ hài cốt liệt sĩ từ xác tàu HQ 604, đồng nghĩa vẫn còn 60 hài cốt bộ đội đang nằm sâu dưới lòng biển. 7 người trong số họ đến từ Hòa Cường, một phường nghèo lúc ấy của TP Đà Nẵng. Họ gia nhập quân đội năm 1987 thuộc Đại đội 9 Trung đoàn Hải quân công binh 83. 7 người con của Hòa Cường gồm: Trương Quốc Hùng (SN 1967), Trần Tài (SN 1967), Phan Văn Sự (SN 1968), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1968), Phan Văn Lợi (SN 1969), Lê Văn Sanh (SN 1967), Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968) đã kết thành vòng tròn sinh tử - những chiến sĩ cuối cùng bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/1988.

Tháng 7 về, dòng tên các anh lại một lần nữa khắc vào tim của những thế hệ người con Đà Nẵng.

Ký ức về con chưa bao giờ nguôi ngoai

Cả ngày dù quần quật với công việc, nhưng hễ ai nhắc đến Trường Sa, Hoàng Sa, những hồi ức của cậu con trai cứ thế ùa về với mẹ Lê Thị Lan (SN 1946, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc).

Năm 19 tuổi, Lộc nhập ngũ, được phân công tác ở E83 (đóng tại Đà Nẵng). Tiếng là đi bộ đội nhưng gần nhà nên tuần nào Lộc cũng xin phép đơn vị về phụ mẹ cuốc đất làm vườn. Cũng có khi Lộc về nấu cho mẹ bữa ăn rồi đạp xe vào đơn vị. Đầu năm 1988, Lộc cho gia đình biết, mình nhận nhiệm vụ vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để chuẩn bị ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Trước ngày con đi, mẹ có nói với Lộc “Cam Ranh chứ không phải như ở Đà Nẵng mô, hết trốn về được”. Nghe xong, Lộc đáp lại: “Rứa con đi luôn mẹ hỉ”. “Sau này ngẫm lại mới biết, lời đùa của con mà thật, như một điềm báo trước”, mẹ Lan bồi hồi. Trước khi lên đường, ở đơn vị tại Đà Nẵng, Lộc còn viết thư gửi lại, nội dung dặn mẹ yên tâm, Lộc chỉ xây dựng đảo thôi, không phải ra nơi chiến trận, mẹ đừng lo lắng mà sinh bệnh.

Mẹ Lan kể, ngày anh Lộc vào Cam Ranh, mẹ mang tấm chăn bông lên tận đơn vị gửi cho con mang theo, nhưng Lộc nói ngoài đó nóng lắm không dùng, rồi đưa mẹ mang về. Từ ngày con đi đã hơn một tháng, nhưng mẹ cũng chưa nhận được tin tức gì, lạ lùng, đến khuya ngày 14/3, trong giấc mơ, mẹ lại thấy Lộc mình mẩy ướt sũng đi tìm mẹ đòi đưa chăn bông. Mẹ Lan hỏi con: “Vì răng lúc đi không lấy, giờ đòi mẹ”, Lộc chỉ đáp: “Con nằm ở dưới nước lạnh quá”. Tỉnh giấc, mẹ Lan cảm giác đã có điều gì đó chẳng lành. Mấy ngày liền ra vào bồn chồn, đến ngày thứ ba, mẹ Lan nghe trên sóng phát thanh nói về trận hải chiến Cô Lin - Gạc Ma, cùng với đó, cô phát thanh viên xướng tên đứa con Nguyễn Hữu Lộc của mẹ đã hy sinh, mất tích. “Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, hình như giọng nói của cô phát thanh viên vẫn văng vẳng bên tai mẹ. Đau đến buốt lòng, như thể có tảng đá đang đè trên ngực và cũng từ đó đeo bám mẹ mãi không thôi”, mẹ Lan nhớ lại.

Mẹ Huệ đọc lại bức thư của con mình.(Ảnh: PV)
Mẹ Huệ đọc lại bức thư của con mình.(Ảnh: PV)

Bước lên chiếc tàu bên chân cầu Mân Quang, hướng ra vịnh Đà Nẵng cùng Hội Cựu chiến binh Công binh Hải quân làm Lễ tưởng niệm 35 năm hải chiến Gạc Ma, mẹ Trần Thị Huệ (81 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rưng rưng cùng với bức thư đã nhạt đi theo thời gian của con. 35 năm trôi qua, nỗi nhớ về người con trai liệt sĩ Lê Thế vẫn thao thức không nguôi trong mẹ.

“Thế là con trai đầu của tôi. Chồng mất sớm, khi đó Thế vừa lên 6 tuổi, sau nó còn 2 đứa em nhỏ. Tôi một mình gồng gánh nuôi con. Lớn lên, Thế một mực xin tôi đi bộ đội. Nhập ngũ, Thế được đi huấn luyện ở Hội An - Quảng Nam sau đó chuyển về huấn luyện tại Đồng Xanh Đồng Nghệ - Đà Nẵng rồi về đóng quân tại cảng Tiên Sa. Mỗi lần được nghỉ phép về thăm mẹ và các em nó đều tranh thủ mọi thời gian để làm cái này, cái nọ giúp mẹ. Tết năm 1988, Thế ăn Tết tại đơn vị, có tranh thủ về thăm nhà và nói, ra Tết con đi vô Cam Ranh đóng quân rồi. Mùng 10 âm, cháu chuyển quân vào Cam Ranh. Rồi lần đó nó đi miết chẳng về”, mẹ Huệ rưng rưng kể.

Trong trận hải chiến Gạc Ma tháng 3 năm 1988, khi nghe tin tức, mẹ Huệ cứ hy vọng con mình bị bắt. Nhưng đợi mãi, không một dòng hồi đáp. Thế lúc đó vừa tròn 22 tuổi. Kỷ vật duy nhất còn lại chỉ có bức thư con gửi về cho mẹ vào cuối tháng 2 năm 1988, trước khi hy sinh không lâu. Bức thư sau đó đã được mẹ Huệ tặng cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Nay mẹ chỉ giữ lại bản photo, mỗi lúc nhớ con, lại mang ra đọc.

Mẹ Huệ còn cho biết, vài năm trước, có đoàn bộ đội ở Hà Nội vào lấy máu để làm xét nghiệm ADN, nếu trùng khớp sẽ thông báo gia đình. Từ đó, mẹ vẫn hằng mong ngóng. “Tôi nhớ và thương con. Mong được nhận con về. Tôi cũng tự hào về con, về tuổi đôi mươi con đã hy sinh cho Tổ quốc”.

Lời hẹn mãi dở dang

Nhiều năm qua, ở góc đường Hàn Thuyên (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng) mỗi ngày, người đi đường lại để ý thấy một bà cụ tóc bạc phơ, khoác chiếc áo hải quân thẫn thờ ngồi soi bóng một mình bên bậc cửa. Hình ảnh bà, quen tới mức, không ai nói cũng biết đó là mẹ Nguyễn Thị Muộn (SN 1934, ngụ đường Hàn Thuyên, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự). Ngày chàng trai Phan Văn Sự rời quê nhà ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ra đảo Trường Sa, anh trao lại cho mẹ Lê Thị Muộn một tấm áo hải quân. “Khi nào nhớ con, mẹ đem tấm áo này ra ngắm sẽ vơi nỗi nhớ. Con sẽ nhanh về thôi”.

Lời hẹn ấy vẫn dở dang suốt 35 năm qua khi anh hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Dở dang hơn nữa khi tháng 7 này trở lại Hòa Cường Bắc thăm mẹ Muộn và thắp nén nhang tưởng nhớ liệt sĩ Sự, không ai còn được gặp. Mẹ Muộn đã khuất núi 2 năm trước, ngay giữa đỉnh dịch COVID-19. Ngày mẹ đi, người thân vẫn lại khoác cho mẹ chiếc áo kỷ vật của liệt sĩ Sự với hy vọng mẹ yên lòng.

Năm 2023, Hội CCB Công binh Hải quân lần đầu tiên tổ chức lễ giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma. (Ảnh: PV).
Năm 2023, Hội CCB Công binh Hải quân lần đầu tiên tổ chức lễ giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma. (Ảnh: PV).

Vài năm trước khi gặp mẹ Muộn, bà thường kể: “Thằng Ba (liệt sĩ Phan Văn Sự) của má hồi nớ (năm 1988) vừa tròn 20 tuổi. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khi đó còn khó khăn, thằng Ba mới 10 tuổi và dù út át những đã phải lao động quần quật, vắt vạt vá vai cùng ba má mới đủ ăn. Năm 19 tuổi, nó tham gia quân ngũ (đóng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Đi được nửa năm, đùng đùng một ngày, thấy nó chạy về nhà báo cho gia đình biết mình sắp được ra Trường Sa, rồi vui vẻ thay ba nó đi chẻ củi, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà.

Nó bảo, ngày về nhất định sẽ cưới cho mẹ một cô dâu hiền. Rứa mà chỉ ít lâu sau, khi ba nó đang nằm trong phòng mổ thì hay tin con hy sinh. Quá thương con, không chịu được cú sốc, ông ấy cũng trút hơi thở cuối cùng. Một ngày, má mất cả chồng lẫn con”. Thi thoảng cụ bà còn bất giác buông lời lẩn thẩn làm người nghe thắt lòng: “Má già rồi, làm răng ra được Trường Sa thăm hắn đây. Phải chi, má tự đưa tay vốc lấy nước biển nơi linh hồn con gửi gắm để ôm vào lòng cho thỏa nhớ thương”.

Cách nhà mẹ Muộn không xa, nằm sâu trong con hẻm trên đường Núi Thành (phường Hòa Cường Bắc), mẹ Huỳnh Thị Kế (mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn) cũng hàng chục năm lặng lẽ cảnh đơn chiếc trong căn nhà xuống cấp để chờ con. Chồng mất, người con trai duy nhất đã nằm lại giữa dòng biển lạnh “không về”, mẹ Kế sống 30 năm trọn để giữ nhang khói cho người thân…

Nhiều năm trước gặp mẹ Kế, bà hay nhắc, hễ thấy quay cảnh ngoài biển Khánh Hòa, mẹ cứ cố nhìn vào ti vi, dòm coi những hòn đảo, nhìn mấy chú cảnh sát biển, hải quân đang bảo vệ đất nước, rồi mường tượng tới con mà ứa nước mắt. Hồi thằng Hai (liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn) đi mà chỉ kịp tạt qua nhà gói ít áo quần, cũng không kịp gặp được ai vì vợ chồng mẹ đang đi làm đồng. Kỷ vật con để lại cũng không còn gì ngoài tờ giấy báo tử được đơn vị gửi về. Bởi vậy, di ảnh thằng Hai cũng phải nhờ người quen “hình dung” rồi họa giúp. Vì già không thể ra đảo, mẹ chỉ biết ở nơi quê nhà nghĩ đến tượng đài tưởng niệm các anh hùng Gạc Ma. Nay mẹ chưa kịp “cố gắng đi một chuyến vào Khánh Hòa thắp nhang thằng Hai cho thỏa ước nguyện”, thì đã ra đi do tuổi già, sức yếu…

Những ngày tháng 7, hàng triệu tấm lòng đang hướng về những địa danh lịch sử, những nghĩa trang trên cả nước từ Bắc vào Nam để tưởng nhớ các anh hùng - liệt sĩ. Thế nhưng, trong đời phóng viên, cứ mỗi lần đưa máy ảnh, nghe kể câu chuyện về 7 người con của Hòa Cường - những chiến sĩ cuối cùng bảo vệ đảo Gạc Ma và gia đình họ, mắt chúng tôi lại nhòe ướt. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng, sự hy sinh vì bình yên biển đảo Tổ quốc của họ khiến chúng ta một lần nữa “soi mình”, để sống cho tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn…