Nói thêm về cá nhân ông Đặng Phúc Tân – Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng và vấn đề làm ăn của công ty
Trong “Thư cảm ơn”, ông Dương Phan Anh cam kết các tài liệu mà ông gửi kèm cho Báo điện tử Xây dựng là chính xác, đồng thời đề nghị Báo điện tử Xây dựng tiếp tục đăng tải để giúp công luận hiểu và những cơ quan có trách nhiệm vào cuộc để buộc ông Đặng Phúc Tân phải trả lại số tiền cho gia đình ông Anh và làm rõ những vi phạm của ông Đặng Phúc Tân, đồng thời xem xét dấu hiệu vi phạm lợi ích nhóm của Công ty CP Vicem thương mại xi măng đã gây ra những thiệt hại cho công ty và khiến công ty làm ăn nợ nần kéo dài.
Cơ sở pháp luật bổ nhiệm ông Đặng Phúc Tân?
Được biết, ngày 30/06/2021 Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có Văn bản số 942/VICEM-TC về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm lại Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng. Văn bản do ông Lê Nam Khánh – Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Việt Nam ký gửi Hội đồng thành viên Vicem trong đó có đoạn: “Tại Nghị quyết số 1902-NQ/BTV ngày 30/9/2019 của Ban thường vụ Đảng uỷ Tổng Công ty, trong đó có nội dung: “…Giao Ban Tổ chức Vicem… Rà soát các trường hợp đến kỳ bổ nhiệm lại, nếu cán bộ giữ một chức vụ đã quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp thì báo cáo xin ý kiến thôi không bổ nhiệm lại…”.
Ngày 16/7/2021, Công ty CP Vicem thương mại xi măng có phiếu lấy ý kiến về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty này với ông Đặng Phúc Tân. Đáng nói, ông Đặng Phúc Tân là người được giao quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Vicem thương mại xi măng.
Trong phiếu ghi ý kiến ngày 06/08/2021, bà Phan Thị Tố Oanh - Thành viên HĐQT Công ty có ý kiến như sau: “Tôi không đồng ý bổ nhiệm với những lý do sau: a, Vi phạm quy chế bổ nhiệm lại của Tổng Công ty (bị kỷ luật trong thời gian giữa nhiệm kỳ); b, kê khai sử dụng bằng cấp không hợp lệ để được bổ nhiệm; c, Vi phạm nghiêm trọng điều 42, 43 Điều lệ Công ty Vicem thương mại xi măng, điều 12 Quy chế hoạt động của HĐQT”.
Ngày 17/8/2022, Đảng ủy Công ty CP Vicem thương mại xi măng có Báo cáo số 46/BC-ĐU gửi Thanh tra Bộ Xây dựng và Đảng uỷ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam trong đó nêu 2 nội dung chính: a, Việc vay vàng là giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, Công ty không có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên hiện nay đồng chí Đặng Phúc Tân đang là đảng viên thuộc Đảng bộ Công ty và là cán bộ quản lý của Công ty nên Công ty sẽ nhắc nhở đồng chí thu xếp trả nợ (nếu có vay); b, Báo cáo cho rằng, chưa có cơ sở để kết luận đồng chí Đặng Phúc Tân vi phạm quy định của Đảng, sử dụng bằng thạc sỹ không hợp pháp để kê khai bổ nhiệm với lý do: “Tiêu chuẩn bộ nhiệm chức danh Phó Giám đốc đối với ông Đặng Phúc Tân chỉ cần bằng tốt nghiệp Đại học. Công ty xếp lương và trả lương của ông Tân theo chức danh Phó Giám đốc chứ không theo bằng cấp. Như vậy là việc kê khai bằng cấp của ông Tân không có mưu cầu lợi ích gì”.
Về vấn đề này, chúng tôi thấy đây là những văn bản trả lời loanh quanh, thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân đã làm gây bức xúc trong tập thể Công ty, một sự bao che lộ liễu hoặc thiếu hiểu biết pháp luật.
Thứ nhất, vấn đề xác nhận 1 văn bằng hợp pháp hay không thì chỉ cần 1 thời gian rất ngắn, trong vòng 1 ngày hay 1 tuần. Lãnh đạo Công ty chỉ cần làm việc với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem văn bằng thạc sỹ của ông Đặng Phúc Tân là thật hay giả? Nếu thật, thì có thuộc diện được miễn thủ tục công nhận văn bằng theo Điều 05 của Thông tư 13/2021 ngày 15/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?
Trong trường hợp này, trách nhiệm của Công ty đến đâu? Trách nhiệm của người ký quyết định bổ nhiệm ông Tân đến đâu cũng cần phải được làm rõ, xử lý trách nhiệm do để sự việc kéo dài làm mất lòng tin của cán bộ nhân viên và khiếu kiện phức tạp.
Mặt khác, trong văn bản giải trình lại cho rằng, việc bổ nhiệm ông Tân chỉ cần bằng Đại học mà không cần bằng thạc sỹ. Vậy tại sao không bỏ bằng thạc sỹ đó ra khỏi hồ sơ bổ nhiệm. Một bằng chứng khác thì tại Quyết định số 767/QĐ-TMXM ngày 08/8/2016, Quyết định bổ nhiệm cán bộ tại Điều 1 có ghi: “Bổ nhiệm lại ông Đặng Phúc Tân, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh – Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại Xi măng, giữ chức vụ Phó Giám đốc công ty từ ngày 16/7/2016 – thời hạn bổ nhiệm 5 năm”.
Như vậy, việc bổ nhiệm ông Tân là căn cứ vào bằng thạc sỹ của ông Tân. Tại sao trong giải trình lại nêu như vậy? Những người ký văn bản, giải trình này có biết không? Ông Lê Nam Khánh là người ký quyết định bổ nhiệm từ khi giữ chức Chủ tịch Công ty CP Vicem thương mại xi măng, nay là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có biết không, tại sao lại im lặng? Sự im lặng này có phải là đồng nghĩa với việc bao che cho việc làm sai trái mà ông đã từng làm?
Cần xem xét lại phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên?
Về vấn đề vay vàng: Tại sao người ký giải trình cho rằng, đây là chuyện cá nhân với cá nhân và chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở ông Đặng Phúc Tân trả (nếu có vay). Sao lại nếu có vay? Trong khi giấy biên nhận nợ còn đó. Đây có phải là cách trả lời nhằm tiếp tay cho ông Đặng Phúc Tân cố tình chây ì không trả nợ và gia đình ông Dương Phan Anh đang kêu cứu và cho rằng, ông Tân đang cố tình lợi dụng chức cụ để chiếm đoạt tài sản gia đình ông Anh.
Chúng tôi cho rằng, giấy mượn nợ là do chính tay ông Tân ký là bằng chứng không thể chối cãi. Không rõ tại sao Đảng uỷ và lãnh đạo Công ty CP Vicem thương mại xi măng lại giải trình như thế và từ khi có đơn khiếu nại đã nhắc nhở ông Tân trong việc trả nợ chưa, mà đến nay ông Tân vẫn chây ì không trả?. Việc vay nợ kéo dài từ 2010; Người cho vay ốm, nằm viện, đời sống kinh tế khó khăn và đã phải ra đi để lại giấy đòi nợ cho con trai tiếp tục đi đòi nợ. Trong khi ông Tân là người có đầy đủ điều kiện kinh tế để trả nợ. Đây là phẩm chất, tư cách đạo đức của 1 cán bộ đảng viên, cần phải xem xét xử lý 1 cách nghiêm để lấy lại lòng tin cho quần chúng.
Trong trường hợp ông Tân cố tình không trả thì gia đình ông Anh có quyền kêu cứu các cơ quan pháp luật mà các cơ quan này cần phải vào cuộc để bảo vệ người yếu thế.
Một số vấn đề khác mà bà Phan Thị Tố Oanh đã ghi trong văn bản không đồng ý bổ nhiệm ông Đặng Phúc Tân trong đó có nội dung: “Vi phạm nghiêm trọng trong điều 42,43 Điều lệ công ty CP Vicem thương mại xi măng, Điều 12 quy chế hoạt động của HĐQT”. Những vấn đề này lãnh đạo CP Vicem thương mại xi măng, lãnh đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có đọc, hiểu vấn đề này như thế nào để trả lời cho bà Oanh và dư luận? Để rồi một lần nữa ông Lê Nam Khánh lại tiếp tục ký văn bản thoả thuận để Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vicem thương mại xi măng ký bổ nhiệm lần thứ 3 đối với ông Đặng Phúc Tân.
Về vấn đề vận tải xi măng
Trong đơn kiến nghị của bà Phan Thị Tố Oanh ghi ngày 24/8/2021, nêu rõ: “Gia đình ông Tân có Công ty TNHH thương mại và vận tải An Thành do bà Đặng Thu Trang em gái ruột ông Đặng Phúc Tân là Giám đốc ký hợp đồng vận tải xi măng cho Công ty và hợp đồng nhà phân phối (những năm trước 2021) với Công ty CP Vicem thương mại xi măng (thuộc liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp); Đối với giao dịch hợp đồng với tư cách là Phó Giám đốc, Thành viên HĐQT không báo cáo với HĐQT, HĐQT không bỏ phiếu, không có Nghị quyết (vi phạm mục a, khoản 6 điều 43 Điều lệ Công ty).
Cũng về vấn đề này, trong đơn tố cáo của ông Dương Phan Anh ghi rõ ,việc làm của ông Đặng Phúc Tân và Công ty là vi phạm chính các quy định của Công ty. Khối lượng, giá trị vận tải là số lượng lớn. Số liệu ước tính gần đúng. Đơn giá vận tải bao gồm VAT gồm cả bốc xếp xuống các cửa hàng tại Gia Lâm, Long Biên xấp xỉ 128.500 đồng/tấn.
Trong đó: Công ty Nam Sơn 668 vận chuyển gần 29.000 tấn tương đương 3,726 tỷ đồng; Công ty Thanh Sơn vận chuyển khoảng 7.300 tấn tương đương 935 triệu đồng; Công ty Thái Sơn vận chuyển 48.500 tấn tương đương 6,232 tỷ đồng và Công ty An Thành vận chuyển 8.500 tấn tương đương 1,092 tỷ đồng. Tổng khối lượng vận tải và tổng giá trị vận tải khoảng 93 nghìn tấn, tương đương 11,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 7/2020 giá thuê cước vận tải + bốc xếp xuống các cửa hàng xe đúng tải trọng ( Công ty Hùng Vương, Ông Ngọc Anh, ông Long) từ công ty Hoàng Thạch vận chuyển về địa bàn Gia Lâm, Long Biên (không có VAT) là 100.000- 105.000 đồng/tấn. Có VAT từ 105.000-110.000 đồng/tấn. (Nếu vận tải số lượng từ 5.000 tấn/tháng trở lên giá còn giảm khoảng 10.000 đồng/tấn).
Vậy tại sao công ty lại trả giá vận tải, ký hợp đồng vận tải giá cao hơn > 10%. Có phải chính bởi vì giá cao hơn nên Công ty bỏ hết các quy định đấu thầu vận tải.
Những vấn đề trên không còn là câu chuyện “cái kim nằm trong bọc” để gây ảnh hưởng dư luận xấu đến ngành Xi măng Việt Nam cùng cơ quan chủ quản Tổng Công ty là Bộ Xây dựng. Chúng tôi cho rằng, Bộ cần sớm chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng (những Cục, Vụ này chưa kiểm tra các vụ việc nêu trên) tiến hành chỉ đạo Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cần làm rõ những vấn đề mà các cá nhân đã tố cáo từ lâu và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên đã vi phạm. Trong trường hợp các Cục, Vụ chức năng thấy khó khăn trong việc làm rõ từng vụ việc, thì Bộ chuyển cơ quan điều tra để làm rõ. Dư luận đang rất cần được công khai minh bạch những vấn đề nêu trên.