Nuôi dưỡng âm nhạc dân tộc với "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp"
Quỹ học bổng Trần Văn Khê ra mắt vào ngày 23/12/2021, hiện hoạt động trên Fanpage "Quỹ học bổng Trần Văn Khê"
Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp nằm trong kế hoạch xuất bản năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê (24/7/1921 - 24/7/2021). Nhưng do tình hình dịch bệnh nên đến nay, cuốn sách mới được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM cho ra mắt.
Tác phẩm dày 360 trang, khổ 16x24cm, gồm hai phần: Phần I Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp, phần II là Di sản Trần Văn Khê với 58 bài viết của 48 tác giả như TS Nguyễn Nhã, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Dương Trung Quốc, NSND Kim Cương, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các nhà văn, nhà báo: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Trọng Thức...
Tuyển tập gồm các bài viết về GS Trần Văn Khê đã được đăng tải trên các báo từ năm 2016 đến nay, đồng thời có nhiều bài viết mới được bổ sung trong năm 2021. Các tác giả mỗi người khai thác một khía cạnh về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS để làm nổi bật lên chân dung của một người nghệ sĩ tài năng, uyên bác, yêu nước và yêu văn hóa của dân tộc mình.
Bìa sách là chân dung GS Trần Văn Khê được kiến trúc sư Võ Thành Lân vẽ theo phong cách vector-art. Bức tranh này từng được nhà thiết kế Sỹ Hoàng chọn làm hình chủ đạo trong chương trình 99 năm Trần Văn Khê Tâm và Nghiệp, tổ chức vào tháng 7/2020.
Giá sách 165.000 đồng/cuốn. Số tiền bán sách sẽ được góp vào Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Quỹ được thành lập theo di nguyện của ông nhằm động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc. Quỹ học bổng Trần Văn Khê chính thức được ra mắt vào cuối tháng 12/2021.
Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM cùng nhóm thân hữu Trần Văn Khê cũng sẽ tổ chức buổi ra mắt sách vào lúc 9g, ngày 15/1 tại Bảo tàng TPHCM (số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1). Dẫn chương trình là nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc, khách mời dự kiến: NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (tác giả Gánh gánh, gồng gồng...) cùng các tác giả tham gia viết bài trong cuốn sách.