1. Trang chủ /
  2. Nuôi gấu lấy mật không đem lại lợi ích cho việc bảo tồn

Nuôi gấu lấy mật không đem lại lợi ích cho việc bảo tồn

thứ năm, 29/9/2022 13:53 GMT+07
Tình trạng nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam cảnh báo một thực tế, việc nuôi nhốt động vật hoang dã không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã từ người dân. Nó làm suy giảm nghiêm trọng số lượng loài ngoài thiên nhiên hoang dã.

Nỗ lực xóa bỏ nuôi nhốt gấu

Trong báo cáo thường niên của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), tổ chức World Animal Protection (WAP) về thực trạng nuôi nhốt gấu tư nhân tại Việt Nam (2005 – 2022), từ những năm đầu của thập kỷ 20, tình trạng nuôi nhốt gấu và động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng.

Việt Nam có hai loài gấu là gấu ngựa và gấu chó. Cả 2 loài gấu này đều được liệt vào danh mục các loài “dễ bị tổn thương” trong Sách Đỏ IUCN. Hiện còn rất ít cá thể gấu được ghi nhận còn tồn tại trong tự nhiên. Một số nhà khoa học cho rằng, quần thể gấu trong tự nhiên đã suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể gấu, đặc biệt là túi mật sử dụng cho mục đích làm thuốc đông y.

Những cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại các trang trại nuôi gấu tại Việt Nam. Ảnh: Four Paws Việt
Những cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại các trang trại nuôi gấu tại Việt Nam. Ảnh: Four Paws Việt


Theo Quyết định số 02/2005/QĐ/BNN về quản lý gấu nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2005, tất cả các cá thể gấu hiện đang được nuôi nhốt tại các trang trại tại thời điểm Quyết định ban hành đều phải được đăng ký, thời hạn đăng ký là cuối tháng 2/2005. Bất kỳ cá thể gấu mới phát sinh nào được phát hiện sau thời gian đăng ký sẽ bị tịch thu. Mỗi cá thể gấu đăng ký đều được gắn một chíp điện tử nhằm giúp cơ quan chức năng giám sát, theo dõi trong thời gian kiểm tra sau thời hạn đăng ký.

Quy định này nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu, bằng việc cho phép các chủ trang trại được quyền tiếp tục nuôi nhốt số gấu hiện tại nhưng không được bổ sung gấu mới.

Những cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại các trang trại nuôi gấu tại Việt Nam. Ảnh: Four Paws Việt
: Những cá thể gấu nhỏ là nạn nhân của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Four Paws Việt


Đến năm 2022, hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm. Cho tới thời điểm hiện nay, 40 tỉnh, thành phố đã không còn gấu nuôi nhốt và cả nước chỉ còn 194 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân. Trong đó, Hà Nội tiếp tục là điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam với 149 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, chiếm 51% tổng số gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước. Mới đây, vào tháng 5/2022, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một chủ nuôi nhốt gấu tại huyện Phúc Thọ, thu giữ 350 lọ mật gấu đang được đưa đi tiêu thụ.

Cần biết rằng, tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật suy giảm bởi nhiều lý do, trong đó có sự thay đổi từ nhu cầu của thị trường. Hiện tại, nhu cầu về mua mật gấu tự nhiên đã cao hơn rất nhiều so với mật gấu nuôi. Trước đây giá mật gấu nuôi tại Việt Nam vào khoảng 10 USD/cc, tuy nhiên hiện nay, giá đã giảm xuống chỉ từ 1 – 2USD/cc. Để đối phó với điều này, nhiều chủ trang trại gấu lớn bắt đầu phát triển hình thức “du lịch trại gấu” thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan trang trại cho du khách Hàn Quốc và Trung Quốc để chứng kiến quy trình hút mật gấu trước khi mua mật, thông thường với giá rất cao. Các trang trại bất hợp pháp này thường hoạt động rất tinh vi và kín kẽ.

Mật gấu trong đông y được xem như một bài thuốc thần thánh. Ảnh: YouMed

Ngày nay, các thợ săn thường săn gấu con trong tự nhiên sau đó bán lại cho các chủ trang trại nuôi lớn để hút mật. Khánh mua mật gấu có thể trực tiếp chứng kiến quá trình hút mật để bảo đảm hàng thật trước khi mua mật gấu. Các thợ săn khi được phỏng vấn trong các cuộc điều tra, khảo sát tại các khu bảo tồn ở miền Trung và miền Nam đều đồng quan điểm với các nhà khoa học về sự vắng mặt và ngày càng khó thấy gấu trong các cuộc đi săn.

Gấu phải được sống trong môi trường hoang dã

Trên thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc nuôi nhốt gấu trong các trang trại lấy mật có phải là cách bảo tồn gấu bền vững? Hợp pháp hóa thương mại các sản phẩm động vật đôi khi được quảng bá như một chiến lược bảo tồn. Về lý thuyết, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng rẻ hơn hoặc tốt hơn sẽ làm giảm tỷ lệ săn bắt động vật hoang dã trái phép, từ đó giảm áp lực lên loài hoang dã.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học dựa vào quá trình phỏng vấn và thu nhập thông tin từ những chủ trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, với tên gọi “Challenges and Conservation implications of bear bile farming in Vietnam” (Tạm dịch: Thách thức và tác động của việc nuôi giữ gấu lấy mật tại Việt Nam) được công bố vào tháng 7/2018 đã kết luận rằng, các trang trại nuôi gấu không mang lại ý nghĩa bảo tồn loài gấu trong tự nhiên. Thậm chí, sự tồn tại của các trang trại này còn mang lại thách thức đáng kể cho công tác thực thi pháp luật.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng của các trang trại nuôi gấu ở Việt Nam đối với bảo tồn gấu hoang dã. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn ẩn danh 66 người đang hoặc đã từng nuôi gấu ở Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2016. Dữ liệu thu thập được qua các cuộc phỏng vấn, sau đó, được phân tích trên cơ sở tham khảo thêm các số liệu thu được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong đó, phần lớn người trả lời (62%) thú nhận rằng, gấu trong trang trại của họ bị bắt từ tự nhiên. Một số ít (14%) cho rằng, gấu có nguồn gốc từ các trang trại khác, và 26% cho hay, họ không biết nguồn gốc của gấu. Chỉ có 12% số người được hỏi tiết lộ, các trang trại đã cố gắng để gây nuôi sinh sản và chỉ có 4 trang trại (6%) sinh sản thành công nhưng 3 trang trại cho biết, gấu đã chết chỉ một tuần sau khi được sinh ra. Hầu hết người trả lời (94%) cho biết, rất khó để gấu sinh sản và đa số (91%) nói rằng, họ không biết có trường hợp nào đã thành công.

Trái ngược với niềm tin của người nuôi gấu lấy mật, không có bằng chứng nào cho thấy nuôi gấu có tác động tích cực đến quần thể gấu hoang dã ở Việt Nam. Có năm, tiêu chí được xác định để việc gây nuôi động vật hoang dã có thể mang lại lợi ích cho bảo tồn loài. Và khi soi chiếu các tiêu chí đó thì việc nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, trong cả quá khứ và hiện tại, không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào và vì vậy, không có khả năng mang lại lợi ích cho bảo tồn loài.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc tổ chức Four Paws Việt khẳng định: Việc nuôi nhốt gấu không bao giờ đóng góp được cho công tác bảo tồn vì nhiều lý do. Hiện tại, gấu ngoài tự nhiên của Việt Nam vẫn được ghi nhận. Những nỗ lực bảo tồn cần được tập trung để bảo vệ chính những quần thể gấu ngoài tự nhiên có thể sinh trưởng và phát triển. Gấu một khi đã bị nuôi nhốt thì mất đi khả năng sinh tồn nơi hoang dã, khó tồn tại được vì không kiếm được thức ăn, không có khả năng tự bảo vệ, tìm về gần con người và có thể bị giết chết.

Các trại nuôi là những địa điểm tiềm tàng về tiêu thụ, buôn bán gấu và các sản phẩm từ gấu, là “đầu ra” của các hình thức tội phạm về động vật hoang dã như săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi giữ trái phép. Điều này gây áp lực lên quần thể gấu còn ngoài tự nhiên trước nạn săn bắt. Tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, trong những năm gần đây, Cơ sở đều tiếp nhận những cá thể gấu nhỏ (từ 800gr đến 10kg), là nạn nhân của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Các cá thể gấu nhỏ này có nguồn từ hoang dã. Thông thường, để bắt được gấu con thì những kẻ săn bắt phải giết gấu mẹ.

“Loài hoang dã cần được sống trong hoang dã. Chỉ khi các loài được sống trong đúng môi trường của mình thì mới tạo nên sự cân bằng sinh thái, mới duy trì được đúng các đặc điểm của loài, mới là ý nghĩa đích thực của công tác bảo tồn”, bà Ngô Thị Mai Hương chia sẻ.