Đoàn kết tôn giáo, yếu tố quan trong trong khối đại đoàn kết dân tộc - Kỳ 1: Sức mạnh tổng hợp từ đoàn kết tôn giáo
Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc
Có thể khẳng định, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, số lượng tín đồ các tôn giáo là gần 30 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước. Trong đó Phật giáo trên 15 triệu, Công giáo trên 7 triệu, Tin lành otrên 1 triệu, Cao Đài trên 1,1 triệu, Hòa Hảo trên 1,4 triệu, Hồi giáo trên 67.000; còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).
Trong suốt dặm dài của lịch sử, thậm chí ngay từ thuở ban sơ, dường như tôn giáo Việt Nam đã mang một tinh thần nhập thế, đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất không thể tách rời.
Bằng chứng là ngay từ khi du nhập vào nước ta, Đạo Phật đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội, trải dài các triều đại từ Đinh, Lê đến Lý, Trần. Thời Lý, Phật giáo đã trở thành quốc giáo và có những ảnh hưởng nhất định đối với việc hoạch định chính sách nội trị của các đời vua. Chính vì vậy, đời sống chính trị của triều Lý mang nhiều màu sắc Phật giáo, nói cách khác, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã thể hiện mạnh mẽ trong đời sống xã hội đương thời.
Đỉnh điểm của tinh thần nhập thế đó là sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm. Sự kiện này đã đánh dấu thời kỳ mở đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo độc lập và thuần Việt tại nước ta, khẳng định vị thế vững vàng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Đặc biệt tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và hành trạng hoằng pháp lợi sanh của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho thấy chủ trương của Phật giáo thời nhà Trần là “không xa lánh cõi đời, cùng gánh vác việc đời”. Từ đó, các vua Trần đã thiết lập một thể chế chính trị được xây dựng trên tinh thần từ bi, khoan dung của Đạo Phật, khiến cho trật tự xã hội vô cùng ổn định, nhờ đó đã gắn chặt khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong dòng chảy lịch sử đó, Công giáo cũng là một trong những tôn giáo đã dệt nên những sợi ngang muôn màu cho khối đại đoàn kết Việt Nam. Tiếp nhận Công giáo, văn hóa Việt Nam cũng được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa phương Tây và đặc biệt thành công trong vấn đề chữ viết. Khi truyền đạo sang nước ta, khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ nước ngoài vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự. Bởi vậy, họ đã dùng bộ chữ cái Latinh quen thuộc có bổ sung thêm các dấu phụ để ghi âm tiếng Việt – thứ chữ này về sau được gọi là chữ Quốc ngữ, loại chữ mà chúng ta hiện nay rất quen thuộc khi sử dụng. Với tính chất tiến bộ và dễ học, chữ Quốc ngữ đã và đang trở thành “cầu nối” đoàn kết đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, phù hợp cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Bởi vậy, trong lịch sử, cuộc vận động dùng chữ Quốc ngữ đã trở thành phong trào rất lớn nhằm xây dựng một nền văn hóa và được hưởng ứng rộng rãi trong xã hội.
Tuy nhiên, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, không kể tôn giáo lớn hay nhỏ, đồng bào các tôn giáo đều sát cánh cùng toàn dân kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công vĩ đại.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các chương trình hành động của Việt Minh: “Đất nước độc lập”, “Người cày có ruộng”, “Tự do tín ngưỡng” đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Phật giáo. Phật giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” các cấp để quy tụ, vận động và tổ chức cho tăng ni, phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ, thậm chí là các trường học để dạy chữ cho nhân dân. Phong trào ủng hộ, tham gia kháng chiến lan rộng khắp các cơ sở Phật giáo ở các tỉnh, thành phố. Ghi dấu ấn đậm nét không thể phai mờ là sự kiện 27 nhà sư phát nguyện “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” tại chùa Cổ Lễ (Nam Định) vào ngày 27/2/1947, để trở thành những chiến sĩ Vệ quốc đoàn kiên trung, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, đất nước ta lại phải đối đầu với cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam. Thời kỳ này Phật giáo ở miền Nam gặp nhiều khó khăn do chính quyền Ngô Đình Diệm chèn ép mọi hoạt động của Phật giáo, vì cho rằng Phật giáo là tôn giáo của dân tộc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các vị sư đạo cao, đức trọng, nêu cao tinh thần yêu nước, Phật giáo đã tổ chức nhiều hội đoàn trong quần chúng, như: “Gia đình phật tử”, “Thanh niên phật tử”, “Xích lô phật tử” để tham gia các cuộc biểu tình, đấu tranh chống chính quyền Mỹ - Ngụy. Đỉnh cao của tinh thần yêu nước, vì dân tộc, vì hoạt động chính đáng của Phật giáo là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng vào ngày 10/6/1963 để tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.
Cùng với sự vận động của Đảng ta, nhiều phong trào yêu nước và tổ chức kháng chiến của người Công giáo Việt Nam được thành lập cũng tự nguyện đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh có những đóng góp quan trọng tập hợp đồng bào công giáo cướp chính quyền tham gia khởi nghĩa.
Năm 1955, khi phong trào Công giáo yêu nước phát triển rộng khắp trên toàn quốc, một tổ chức đại diện chung cho đồng bào Công giáo cả nước trong các hoạt động yêu nước được thành lập, đó là Ủy ban Liên lạc Những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình (nay là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam). Trong chống Mỹ cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Bên cạnh đó, nhiều tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành cũng tình nguyện đứng trong hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh, Liên Việt và sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng quân và dân cả nước chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù xâm lược. Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử cứu nước vẻ vang của các tôn giáo, là đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo
Ngày nay, qua cầu nối là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tinh thần đoàn kết của đồng bào lương - giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo và đoàn kết trong một tôn giáo được phát huy cao độ.
Tinh thần đoàn kết lương - giáo được thể hiện trong nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa. Với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Trên cơ sở đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực và chủ động hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng phát động; và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu trợ nhân đạo đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước,… Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng vậy, một lần nữa, tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam lại hiển hiện với phong trào “cởi áo cà sa khoác blouse trắng”, xông pha vào tuyến đầu chống dịch của các tăng ni, phật tử.
Đồng hành cùng Phật giáo, đồng thời hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, trong nhiều năm qua, đồng bào Công giáo cũng đã thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay, những phong trào cụ thể, thiết thực, như: “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, sống tốt đời, đẹp đạo” ở Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Nam Định, Thanh Hóa; “Xây dựng xứ, họ đạo gương mẫu” ở Thái Bình; “Tiếng kẻng học bài” cho học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa; “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” ở Hà Nội,… Xuất phát từ tư tưởng bác ái, hướng thiện, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo đã và đang tích cực tham gia vào công tác từ thiện nhân đạo, an sinh, bảo trợ xã hội. Hiện nay, cả nước có 635 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội do Công giáo đảm nhận.
Thông qua công tác từ thiện xã hội, các tôn giáo đã thúc đẩy việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng, đoàn kết lương - giáo. Để từ đó biến tình đoàn kết lương - giáo thành sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết dân tộc. Không chỉ vậy, nguồn sức mạnh ấy còn được “ủ ấm” trong tình đoàn kết giữa các tôn giáo.
Hình ảnh Tổng Giám mục cùng đồng bào Công giáo tặng hoa chúc mừng tăng ni, phật tử mỗi dịp Đại lễ Phật Đản đã trở thành một nét đẹp văn hóa quen thuộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm một lòng giữa các tôn giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hay hình ảnh bữa cơm thân mật đêm Noel của đồng bào Công giáo và tăng ni, phật tử cũng thể hiện sự gắn bó thống nhất, tình cảm chân thành, xúc động giữa hai tôn giáo lớn.
Mặt khác, nếu nhìn sâu vào nội hàm của đoàn kết lương - giáo, hay đoàn kết giữa các tôn giáo, chúng ta sẽ nhận ra rằng phải có một sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ trong nội bộ các tôn giáo thì mới có những chủ trương, hành động vì cộng đồng, vì dân tộc đến vậy.
Có thể khẳng định đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược cách mạng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều hướng đến những việc làm thiện lành, để giúp người, giúp đời, hộ quốc an dân và xây dựng đất nước. Đó là điểm mấu chốt, là kim chỉ nam để xây dựng nên một khối đoàn kết tôn giáo, một khối đại đoàn kết dân tộc bền vững, không thể tách rời.
(Còn nữa)