1. Trang chủ /
  2. Độc đáo Lễ hội Thái bình xướng ca - di sản văn hóa quốc gia

Độc đáo Lễ hội Thái bình xướng ca - di sản văn hóa quốc gia

thứ hai, 6/2/2023 11:05 GMT+07
Lễ hội Thái bình xướng ca gắn liền với không gian văn hóa thời Trần, khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của nhân dân làng Gạo (Nam Định) trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Múa rồng mây, một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Thái Bình xướng ca. (Nguồn: Báo Nam Định)
Múa rồng mây, một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Thái Bình xướng ca. (Nguồn: Báo Nam Định)

Lễ hội truyền thống Thái bình xướng ca (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Thái bình xướng ca gắn liền với không gian văn hóa thời Trần, chứa đựng các giá trị lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của nhân dân làng Gạo trong ba lần cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Vì thế từ xa xưa, người dân Quả Linh (làng Gạo trước đây) vẫn truyền tụng câu ca:

"Vua Trần có lệnh tuyển binh

Đánh giặc Nguyên thắng,

Thái Bình xướng ca

Ba năm một lệ làng ta

Dần, Thân, Tỵ, Hợi hát ca vui mừng."

Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào ngày 9-11/3 âm lịch các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, có ý nghĩa giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn;" thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, đại diện cơ quan nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ hội truyền thống Thái bình xướng ca cho biết theo các nguồn tài liệu, từ thời Đinh-Tiền Lê đến thời Trần, làng Gạo trước đây (nay là thôn Quả Linh) là nơi có kho lương, đình đụn để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực cho triều đình, góp phần quan trọng để vua tôi nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII.

Đặc biệt, sau chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng năm 1288, vua Trần ban thưởng cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, mừng đất nước thái bình.

Trong lễ hội có nhiều nghi lễ đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử thời Trần như rước kiệu Thánh, rước nhang án 18 vị tổ dòng họ, tế nam quan, tế cáo, tế bán dạ; dựng đình đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, hát trống quân, tam cúc, tổ tôm điếm… tái hiện các hoạt động của nhân dân làng Gạo góp công, góp sức vận chuyển lương thực cho quân dân nhà Trần.

Điểm xuất phát của lễ rước bắt đầu từ đền Đông, dẫn đầu là đội múa lân, tiếp đó là hai rồng: vàng và mây. Theo sau là đội cờ thần, cờ phướn, bát bửu; tiếp nối là hai hàng phật tử, một tay lần tràng hạt, một tay đỡ dải Phù Kiều.

Tiếp đến là kiệu bát cống rưới mũ áo, bài vị của thiên thần, kiệu của quan hậu thần họ Nguyễn, kiệu hương án của các họ cũng đã được cuẩn bị sẵn sàng để tham gia đoàn rước.

Các trò chơi trong lễ hội đều được tổ chức trên sông nước, là biểu tượng, tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược.

Theo truyền thuyết, từ xưa làng Gạo đã có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền đã đi vào câu ca “Cả làng chuyển thóc nhà vua/ Đủ cho quân sỹ bốn mùa lương ăn.” Bởi vậy, trong lễ hội Thái bình xướng ca nhân dân đã tái hiện hình ảnh đoàn thuyền tải lương với 3 thuyền, được điều khiển bởi 3 người do dân làng lựa chọn, đi đầu là thuyền rồng chỉ huy thúc trống chạy quanh hồ làng hết sức náo nhiệt thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến xem.

Đây là trò chơi mang tính giáo dục cao về ý thức tập thể, về tinh thần đoàn kết cho thế hệ hôm nay. Trong lễ hội, dân làng Quả Linh còn trình diễn các môn nghệ thuật dân gian của cha ông như múa rồng của xóm Bến, múa sư tử của xóm Chải, múa lân của xóm Cùng, chơi đu của xóm Cuối...

Ngoài cờ đèn, bơi chải là hai trò diễn ra trực tiếp trên nước thì các trò còn lại đều diễn ra ở sân khấu dựng trên mặt sông. Những hoạt động đó khiến ta liên tưởng đến những hoạt động sông nước của nhà Trần, với những đoàn thuyền tải lương đi muôn nơi, những chiến thuyền chở những người lính dũng cảm ra trận vì đất nước quê hương, gắn với chiến thắng vang dội của nhà Trần.

Đặc biệt, với việc biểu diễn múa rồng song long: rồng xanh (rồng mây) và rồng vàng (rồng vải), người dân Quả Linh tin rằng đó là biểu tượng cho tình đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới. Bởi rồng vàng hay màu vàng là biểu tượng của sự thịnh vượng, của người lãnh đạo sáng suốt, màu xanh là biểu trưng cho ước vọng hòa bình của người dân. Vì thế, khi hai con rồng song hành cùng nhau, uốn lượn bên nhau chính là biểu trưng cho tình đoàn kết dân tộc.

Lễ hội Thái bình xướng ca ở làng Quả Linh đúng như tên gọi, được cộng đồng nhân dân địa phương duy trì, bảo tồn, phát triển, đã mang tới không khí hân hoan nô nức, đón mừng niềm vui quê hương đất nước thái bình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Lễ hội góp phần bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.