1. Trang chủ /
  2. Độc đáo tục “Tết lại” ở làng cổ Hà Nội

Độc đáo tục “Tết lại” ở làng cổ Hà Nội

thứ tư, 22/3/2023 11:16 GMT+07
Làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một ngôi làng cổ nổi tiếng. Ít ai biết, ngoài nếp rêu phong mà ít nơi có được thì làng cổ này còn có lệ tục đón “Tết lại” hết sức độc đáo.
Một góc Yên Trường cổ kính và thơ mộng. Một góc Yên Trường cổ kính và thơ mộng.

Lệ tục đón Tết lạ kỳ

Nhắc đến làng cổ, đặc biệt là Yên Trường, kỳ thực tôi đã có đôi lần ghé đến nơi này. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, Yên Trường có sức hút rất riêng khác, khiến tôi mỗi lần đến là thêm một lần thấy sự mới mẻ. Đến Yên Trường trong dịp hương xuân vẫn ngập tràn lối nhỏ, như một sự hữu ý, hữu tình, tôi men theo những con ngõ nhỏ, miên man chiêm ngưỡng cổng nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi.

Một góc Yên Trường cổ kính và thơ mộng.

Người dân mộc mạc, chất phác và mến khách. Các thực thể làng gợi chất quê như cây đa, bến nước, sân đình được bảo tồn. Nhiều ngôi nhà ở Yên Trường rất độc đáo với vật liệu làm từ đá ong. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật.

Những ngôi nhà cổ ở Yên Trường đẹp và xưa cũ. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc nhà vườn Bắc Bộ với ba gian, hai chái và khoảng sân rộng trước mặt. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ hoa mỹ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm.

Một cao niên trong làng bảo với tôi, nơi đây xưa được xây dựng hết sức nghiêm cẩn và trật tự. Đường làng, ngõ xóm được thiết kế nối tiếp gắn mạch nhau, ngõ nọ liên thông với ngõ kia, nhỏ bé khá giống làng cổ Đường Lâm và Cự Đà. Ngoài dấu ấn thời gian vương đọng, làng Yên Trường còn có lệ tục đón Tết rất lạ.

Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1948, một cao niên trong làng bảo, ở Yên Trường sau khi đón Tết Nguyên đán (người làng thường gọi nôm là “Tết cả” - PV) thì tất thảy lại hối hả cho dịp Tết tháng Giêng với tên gọi là “Tết lại” hay “Tết cùng”.

Nguồn gốc của việc tổ chức đón Tết hai lần nơi làng cổ cũng có không ít dị bản. Tuy nhiên, được công nhận nhiều hơn cả vẫn là câu chuyện làng đón Tết khi chạy giặc giã. Chẳng là, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, giặc Cờ Đen kéo vào nước ta, chúng liên tục đụng độ với quân xâm lược Pháp và cũng giành được chiến thắng vài trận. Do đó, triều đình nhà Nguyễn có ý muốn trọng dụng và mong muốn mượn tay đội quân này có thể giúp đánh đuổi giặc Pháp. Tuy nhiên, có một điều không ngờ tới là việc đội quân này chỉ là một toán ô hợp, kỷ luật lỏng lẻo. Chúng núp danh nghĩa là đội quân kháng Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn. Để rồi, chúng chia nhau kéo đi khắp nơi cướp bóc, chém giết.

Khi giặc Cờ Đen kéo đến Yên Trường cũng là cận kề những ngày Tết Nguyên đán. Biết giặc đến, người trong làng khi đó đã phải bỏ đi những niềm vui ngày Tết để kéo nhau đến nơi khác lánh nạn. Trước khi đi tránh giặc, dân làng đã mang theo tài sản, vật dụng, lương thực cần thiết đồng thời rủ nhau đem tất cả bánh chưng, giò chả... đã chuẩn bị đón Tết rồi cất giấu xuống ao hoặc vứt xuống giếng làng. Khi toán giặc cướp đã rút đi, dân làng mới bồng bế, dắt díu nhau quay về chốn cũ.

Có một điều lạ lùng là khi người dân quay về, họ vớt những túi buộc bánh chưng, giò chả từ dưới ao, dưới giếng mà trước khi đi chạy giặc đã bỏ lại, dù hàng tháng đã trôi qua nhưng toàn bộ đều như còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu hư hỏng, bên trong vẫn còn thơm ngon như mới. Niềm vui ngoài ý muốn đã thôi thúc dân làng tổ chức ăn Tết lại một lần nữa và đặt tên cho nó là “Tết lại” hay “Tết cùng”.

Ngày Tết ấy cũng đúng là ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch. Như một sự hồi tưởng lịch sử rất riêng biệt, dù không sách vở nào ghi chép lại nhưng từ sau khi thoát nạn giặc cướp, cứ đến ngày cuối cùng của tháng Giêng, dân làng lại nhộn nhịp tổ chức đón Tết.

“Cho đến nay, dù Tết truyền thống của dân tộc hay cái Tết riêng của làng, của xã nhà thì mỗi người con trong làng đều trân quý. Cận Tết về làng, bên những chiếc giếng cổ vẫn thấy cảnh người dân múc nước rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng. Nhờ có giếng làng, nhờ có lệ tục độc đáo trên mà người dân sống chan hòa, gần gũi, đoàn kết với nhau hơn”, bà Hòa chia sẻ.

Và chuyện xây dựng làng quê sạch đẹp

Ở Yên Trường, bên cạnh tục đón “Tết lại” thì nét độc đáo chính là những nếp nhà được gìn giữ bởi những người dân yêu cảnh đẹp bình dị. Từng ngày họ vẫn cố gắng gìn giữ những nét truyền thống của những căn nhà để răn dạy cháu con. Một trong những ngôi nhà đẹp nhất của làng là của gia đình ông Trịnh Nhân Kỳ. Phía bên trong căn nhà là một khung cảnh đẹp.

Theo ông Trịnh Nhân Kỳ, cách bài trí ban thờ, đến sập gụ tủ chè, câu đối, đại tự… đều theo mẫu mực xưa và đều xuất phát từ đôi bàn tay ông. Ông Kỳ tự học chữ cổ và nhờ thợ khắc lên trên hoành phi. Với ông Kỳ và không ít người trong làng Yên Trường, ngôi nhà của ông Kỳ là thứ tài sản tinh thần quý giá. Ông Kỳ bảo với tôi, bản thân ông luôn coi căn nhà như một bảo vật cha ông để lại. Ông cũng xem đó là bảo vật của làng và sẵn sàng tiếp đón khách lạ vào bên trong để hướng dẫn như một chuyên gia du lịch. Ông lấy làm tự hào, vì làng ông là một trong những ngôi làng hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được những di sản tổ tiên.

Một điểm đáng trân quý từ ông Kỳ là sự kiên trì bền bỉ cùng tình yêu cây cối khó ai bì được. Ông Kỳ được người khắp trong làng, ngoài xã xác thực “kỷ lục” riêng có khi dành hơn 30 năm để tỉ mẩn tạo dáng cây ô rô thành cổng nhà và tường rào giữa làng quê thanh bình. Theo lời ông Kỳ, từ năm 1992 ông đã bắt tay vào trồng cây ô rô. Trải qua nhiều năm trồng tỉa, cuối cùng ông Kỳ cũng có hàng rào tạm ưng ý. Và giờ thì cứ 5 ngày ông cắt tỉa một lần, nếu là dịp mưa nhiều. Những tháng nắng hạn thì khoảng 8 ngày. Đến nay, công trình cây tuyệt mỹ của ông Kỳ đã có độ tuổi ngoài 30 năm, làm đẹp nhà, đẹp làng và là điểm đến của nhiều khách phương xa.

Quá trình đô thị hóa đã làm mất nhiều cổ thụ làng quê, thì việc làm của ông Kỳ rất ý nghĩa, không chỉ là cách để bảo lưu một giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu, bảo vệ cây.

Đi quanh làng Yên Trường, nghe về lệ tục đón “Tết lại”, nhìn được những nếp nhà cổ và gặp được người yêu chuộng những nét đẹp xưa cũ… bản thân tôi như thấy lòng mình lắng lại. Thấy cuộc sống thật đẹp đẽ khi đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn còn những con người vì nét văn hóa, vì giá trị cội nguồn mà sắn tay gìn giữ, bảo vệ và tái hiện lại vẻ đẹp hồn hậu của làng quê. Dù chỉ là một chút nhưng cũng đủ làm một nét chấm phá cho mùa xuân đượm hồn Việt.