Độc đáo với những bức tranh gạo của cô giáo mầm non 7X
Dù chưa trải qua một lớp học về hội họa nào, thế nhưng cô giáo mầm non Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1978, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) lại có niềm đam mê với bộ môn vẽ tranh từ gạo. Khác với những dòng tranh vẽ, tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ mà dùng chính màu sắc tự nhiên của hạt gạo khi đem rang.
Nói đến cơ duyên làm tranh từ gạo, chị Vân nhớ lại: "Năm 2015, khi công tác tại trường mầm non Phù Lỗ tôi đã thực hiện bức tranh gạo đầu tiên với bức thư pháp chữ "Tâm" để mang đi đấu giá từ thiện. Bức tranh đó được nhiều người yêu thích nên tôi đã quyết tâm theo đuổi nghề làm tranh gạo".
Xuất thân từ vùng đất nông thôn, quanh năm làm bạn với đồng ruộng, chị Vân nhận ra rằng hạt gạo chính là một nguyên liệu quý để tạo nên những bức tranh nghệ thuật. Từ đó đến nay, chị cùng gia đình phát triển nên nghề tranh gạo, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình xung quanh.
Một điểm đặc biệt tranh gạo ở đây chính là không dùng thuốc nhuộm, màu sắc của tranh đều được sử dụng hoàn toàn từ quá trình rang gạo mà thành.
Theo chị Vân cho biết, việc quan trọng nhất để tạo nên một bức tranh gạo đẹp đó là khâu chọn gạo. Trong đó, loại gạo thích hợp nhất là Lài thơm được trồng nhiều ở Biên Hòa. Hạt gạo phải bóng và chắc, lúc rang gạo không bị nở to mà phải cứng và lên màu sắc đúng theo thời gian rang.
Rang gạo cần phải có bí quyết để tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Chị Vân cho rằng: "Tùy theo nhiệt độ và thời gian khác nhau sẽ cho ra những sắc độ màu khác nhau. Gạo có thể rang được hơn 20 sắc độ màu từ trắng, vàng nhạt, cam, nâu đất, cánh gián, đen... Để có màu ngả vàng, gạo cần rang trong vòng 30 phút. Muốn tạo màu nâu đen, gạo lại phải rang trên lửa trong 6 tiếng. Lâu hơn nữa, tới 7-8 tiếng gạo sẽ cho màu đen sẫm".
Sau khi rang gạo, người vẽ sẽ vẽ phác thảo trên tấm lót khung hình. Các chi tiết chính của bức tranh được vẽ phác thảo trước rồi đổ keo sữa lên các chi tiết đã vẽ. Sau đó chọn màu gạo phù hợp, xếp gạo theo. Một bức tranh gạo đẹp hoàn hảo phải đạt những điều kiện về hình khối, sắc độ, bố cục, tỉ lệ và quan trọng hơn là độ khít của gạo, các họa tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối.
Sau khi xếp gạo theo các chi tiết trong tranh, tiến hành đổ nền cho bức tranh. Cuối cùng khi khô lớp keo và khử độ ẩm cho gạo, chỉ cần mang tranh đi phơi dưới ánh nắng trong vài giờ và xử lí chống mối mọt là hoàn thành.
Tưởng chừng là dễ như vậy, nhưng mỗi bức tranh gạo lại là sự tỉ mỉ, trí tưởng tượng của người "họa sĩ" tài năng. Chưa từng qua trường lớp chuyên môn nhưng tranh gạo của chị Vân được nhiều người đánh giá cao, nhiều người từ các địa phương xa gần về học hỏi. Mỗi tháng chị Vân cùng cộng sự làm ra khoảng từ 150 - 200 bức tranh lớn nhỏ.
Tranh gạo tại đây chủ yếu là tranh phong cảnh làng quê, con trâu, giếng nước, cây đa sân đình của quê hương, các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng như Chùa Một Cột, Hồ Gươm, Tháp Rùa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… ngợi ca vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Ngoài khía cạnh phát triển kinh tế, tranh gạo của chị Vân còn là phương thức quảng bá văn hóa Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời. Thậm chí, nhiều bức tranh của chị Vân đã trở thành món quà tinh thần, tranh gạo của chị đã có mặt ở nhiều quốc gia, mang theo sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam.