Đổi mới cải lương – Hành trình vẫn chưa dừng lại…
Bi kịch cổ đại lên sân khấu cải lương
Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở “Mê Đê” - một tác phẩm do nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Euripides viết từ 2.600 năm trước. Kể từ khi ra đời, tác phẩm kinh điển này đã được trình diễn qua hầu hết các thể loại sân khấu tại hàng trăm quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Song, đây là lần đầu tiên “Mê Đê” được dàn dựng và thể hiện bằng ngôn ngữ cải lương trên sân khấu Việt Nam.
Khi Nhà hát Cải lương Việt Nam thông báo dàn dựng vở “Mê Đê”, đã có không ít ý kiến băn khoăn. Điều này dễ hiểu, bởi lẽ kịch cổ điển chuyển sang kịch nói đã có một khoảng cách, nhưng ở đây kịch bản nguyên gốc chuyển sang kịch thơ, rồi kịch thơ chuyển tiếp sang kịch bản cải lương... Tuy nhiên, khi xem “Mê Đê”, khán giả thực sự bất ngờ khi “phiên bản cải lương” không những đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm gốc mà còn mang đến cho loại hình sân khấu này một sự sang trọng, mới mẻ.
Với “Mê Đê”, đạo diễn NSƯT Lê Chức và ê-kíp sáng tạo đã khai thác sâu nội tâm của các nhân vật để đi đến tận cùng ý nghĩa của tác phẩm bi kịch gốc. Chú trọng vào diễn xuất, “Mê Đê” được dàn dựng tối giản với dàn diễn viên trang phục trắng giản đơn. Đặc biệt, dàn đồng ca trong “Mê Đê” được đạo diễn xử lý giống như một dàn đế trong sân khấu chèo truyền thống, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Hy Lạp cổ đại.
Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, việc đưa “Mê Đê” lên sân khấu cải lương vẫn là sự tiếp nối những nỗ lực tìm tòi trước đó. “Sau những nỗ lực thể nghiệm, tìm tòi, Nhà hát tiếp tục tìm hướng đi khác. “Mê Đê” chính là sự tiếp tục đổi mới, nhằm đưa cải lương tiếp cận tới nhiều nhóm đối tượng khán giả hơn”, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho hay.
“Cải lương mới” có gì?
Khác với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, bản chất của nghệ thuật cải lương là luôn luôn đổi mới, tiếp nhận các ảnh hưởng văn hóa bên ngoài. Các nhà nghiên cứu văn hóa đều đồng tình, nghệ thuật cải lương gần như không có giới hạn sáng tạo, nó có thể du nhập và dung nạp từ nội dung đến hình thức để đáp ứng nhu cầu thị hiếu và tâm lý của nhiều tầng lớp khán giả.
“Bản thân từ “cải lương” đã cho thấy sự đổi mới rồi. Người làm nghề chúng tôi vẫn thường định nghĩa cải lương bằng câu nói: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Cải lương phải luôn đổi mới thì mới tồn tại được, những người làm cải lương đều luôn luôn trong tâm thế cải cách và đổi mới”, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Nhìn lại lịch sử hơn 100 năm của loại hình nghệ thuật này cũng thấy rõ, ngay cả trong thời kỳ được cho là “hoàng kim” 1955-1975, việc tìm tòi, cách tân cải lương vẫn diễn ra mạnh mẽ. Bằng chứng là cố NSND, soạn giả Viễn Châu đã sáng tạo nên thể loại “tân cổ giao duyên” từ cuối những năm 1950. Dù “tân cổ giao duyên” gây ra nhiều tranh cãi thời bấy giờ, nhưng sự hâm mộ của công chúng và sức tồn tại của nó vẫn được nhắc đến như là bằng chứng cho những nỗ lực tìm “một chiếc áo khoác mới” cho cải lương.
Những năm sau đó, người làm cải lương vẫn liên tục thử nghiệm những hướng đi mới. Hai vở cải lương “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang những năm 2007-2008 với mức đầu tư tiền tỷ đã tạo được nhiều ấn tượng. Cả hai có sự cách tân táo bạo khi mở rộng không gian biểu diễn từ sân khấu hộp ra quảng trường, cũng như kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật từ cải lương, hát bội, opera... Số tiền đầu tư cho hai vở diễn lần lượt là 1,8 và 1,5 tỷ đồng với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, sân khấu hoành tráng, các yếu tố kỹ xảo tân kỳ... là điều trước đó chưa từng xảy ra trên sân khấu cải lương.
Năm 2016, trong “Hừng đông”, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đưa vào vở diễn ban nhạc đường phố HUB với những bài rock rực lửa để giữ vai trò dẫn chuyện. Năm 2020, NSND Triệu Trung Kiên đã đưa nhạc jazz, nhạc rap vào vở “Cây gậy thần”… Vở diễn này cùng với “Thượng thiên Thánh Mẫu” (2022) còn ghi dấu việc thử nghiệm kết hợp cải lương và xiếc. Trước đó, năm 2019, soạn giả Hoàng Song Việt và NSND Triệu Trung Kiên cùng các cộng sự hợp lực thành lập sân khấu cải lương mới Đại Việt, cũng nhằm mục đích thực nghiệm những tác phẩm “cải lương mới”.
Nhiều chuyên gia đánh giá, trước đây, cải lương vốn được mặc định là các vở diễn kinh điển, nội dung mùi mẫn, bi ai xen kẽ trình diễn vũ đạo. Còn hiện nay, với sự giao thoa, pha trộn nhiều loại hình nghệ thuật, cải lương được đánh giá là ít yếu tố ước lệ hơn, đồng thời cũng hoành tráng hơn, hiện đại hơn với những hiệu ứng kỹ xảo hấp dẫn thị giác và mang tính giải trí cao.
Quan trọng nhất vẫn là khán giả
Những nỗ lực đổi mới ít nhiều mang lại hiệu ứng tích cực cho nghệ thuật cải lương. Thế nhưng, với kinh phí dàn dựng tốn kém nên phần lớn tác phẩm có sự tìm tòi, đầu tư lớn đều được dựng để đi thi hay diễn theo các hợp đồng chứ ít khi bán vé; thậm chí một số vở diễn đầu tư lớn còn bị “thâm vốn”. Việc không tiếp cận được đông đảo công chúng nên những nỗ lực đổi mới này chưa đủ để thấy rõ hiệu quả cũng như đo lường thị hiếu khán giả.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cải lương không chỉ nên đổi mới ở hình thức biểu diễn, ở việc áp dụng khoa học công nghệ mà điều quan trọng hơn là làm mới nội dung, tư tưởng của vở diễn. Không thể nói những vở diễn trước đây đều mang lối cũ, cách nhìn cũ nhưng rõ ràng cải lương luôn cần tiếp cận được hơi thở cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của công chúng hôm nay.
Theo NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cuộc sống hiện đại càng đòi hỏi cải lương phải đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt khán giả trẻ. Trong đó, cần đổi mới phương pháp sáng tạo, thủ pháp biên kịch. Kịch bản có thể là câu chuyện dân gian, câu chuyện lịch sử hoặc xã hội đương đại... nhưng quan trọng là cách viết phải mới.
Đồng quan điểm, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam cũng cho rằng, làm mới cải lương là nhu cầu cấp thiết và thường xuyên vì bản chất của cải lương là đổi mới. “Chúng ta phải xem giới trẻ hôm nay ưa thích cái gì, nghệ thuật gì du nhập mà khán giả trẻ đang quan tâm thì cải lương cũng phải tiếp cận. Làm sao để tác phẩm thuộc về con người hôm nay”, ông Kiên nhận định.
Theo các đạo diễn, để đáp ứng nhu cầu khán giả giữa thời buổi nhiều loại hình nghệ thuật giải trí đa dạng như hiện nay, các vở diễn ngoài phát huy giá trị nghệ thuật đích thực, đầu tư nội dung kịch bản và diễn viên, còn phải có nét tươi mới, hấp dẫn, phù hợp với xu thế xã hội và con người hiện đại. Sự tươi mới đó thể hiện từ kịch bản, cách dàn dựng, trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất… nhằm tạo sự hấp dẫn đối với khán giả.
Tuy nhiên, cho dù đổi mới gì đi chăng nữa thì đích đến cuối cùng cũng phải hướng đến khán giả. Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai, việc áp dụng công nghệ vào xây dựng bối cảnh vở diễn, việc đưa nhạc rock, nhạc rap lên sân khấu cải lương..., khán giả sẽ là người đánh giá những đổi mới này có phù hợp với thời cuộc hay không.
“Điều quan trọng của những tìm tòi, thể nghiệm là khán giả có thích nó đến mức bỏ tiền ra mua vé hay không, chứ còn việc mình mời họ đến xem chưa hẳn đã là thước đo chuẩn xác. Tuy nhiên, những nỗ lực thể nghiệm của chúng tôi đã được khán giả ghi nhận và đồng nghiệp trân trọng”, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.