1. Trang chủ /
  2. Đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật

Đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật

thứ bảy, 23/12/2023 22:59 GMT+07
Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thực hiện việc giải thích pháp luật trong trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện pháp luật.
Đại biểu Trần Chí Cường đặt câu hỏi chất vấn tại phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn). Đại biểu Trần Chí Cường đặt câu hỏi chất vấn tại phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).

Thắc mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Tại phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực về kinh tế tổng hợp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV vừa diễn ra, những băn khoăn về phân định vốn chi thường xuyên và chi đầu tư đã được một số đại biểu đề cập. Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) dẫn các báo cáo cho biết, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản còn bất cập.

Nêu vấn đề cụ thể hơn, Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) chỉ ra rằng, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công có nội dung quy định tính chất của dự án đầu tư công. “Với nội dung quy định như tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công dẫn tới cách hiểu cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công”, Đại biểu cho hay.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là một vướng mắc. “Vướng mắc này cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH để các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác nhất. Bởi vì Điều 6 khoản 2 của Luật Đầu tư công quy định kể cả xây dựng mới, kể cả nâng cấp, sửa chữa và mở rộng về tài sản công đều đưa vào Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công được xác định là kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm; những chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công mặc dù vẫn là ngân sách nhà nước sẽ sai quy định. Cho nên hiện nay thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc và thực tế đã tạo nên sự vướng trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng nhận định.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề chi thường xuyên có tính chất đầu tư “có lẽ cũng không hẳn do Luật Đầu tư công mà có cả ở Luật Ngân sách nhà nước”. Ông Dũng cho rằng sửa chữa, nâng cấp hiện nay vẫn được triển khai bình thường, chỉ có đầu tư mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 2 tổ rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ và QH đã rà soát độc lập, tổng hợp từ các Bộ, ngành, các địa phương, liên quan đến hơn 500 văn bản, trong đó có cả Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công nhưng không có Bộ nào nói về vấn đề này. “Trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nằm ở đâu”, Chủ tịch QH nói.

Kịp thời xử lý kết quả rà soát

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp. (Ảnh: PV).

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về kết quả rà soát VBQPPL vừa qua, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cho biết, nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống VBQPPL, từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đã có một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới. Đồng thời, cần chủ động đề xuất theo thẩm quyền việc xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc và xác định lộ trình cụ thể thực hiện việc xử lý.

Bên cạnh đó, cần xem xét, thực hiện các phương án xử lý đối với nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc đã được phát hiện qua rà soát. Theo đó, đối với các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH, được xem xét thông qua hoặc cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 và tại Kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024 thì tổng hợp, đề xuất xử lý ngay trong quá trình QH xem xét thông qua hoặc cho ý kiến.

Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã có trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trong năm 2023 thì đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các VBQPPL theo đúng hoặc sớm hơn kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định rà soát VBQPPL đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, bảo đảm việc rà soát văn bản là trách nhiệm phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; tuân thủ nghiêm quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát.

Cùng với đó, cần bảo đảm kết nối giữa hoạt động giám sát việc xây dựng pháp luật với các hoạt động bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp khác như thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL. “Đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thực hiện việc giải thích pháp luật trong trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện pháp luật. Tăng cường cơ chế bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật”, ông Hồ Quang Huy nói.