Đổi mới nội dung, hình thức ấn phẩm để thể hiện rõ bản sắc của Báo Pháp luật Việt Nam
Lễ bàn giao đã diễn ra trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch Tài chính và tập thể lãnh đạo chủ chốt của Báo.
Theo đó, bàn giao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với Báo Pháp luật Việt Nam bao gồm các việc đã hoàn thành và các việc đang triển khai thực hiện trên các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Báo bao gồm: Cơ cấu tổ chức, biên chế; Công tác quản lý và tổ chức xuất bản các ấn phẩm; Công tác phát hành ấn phẩm, kinh tế báo chí, tổ chức sự kiện và các hoạt động xã hội từ thiện; tài sản công.
Trước đó, Phó Tổng biên tập Hà Ánh Bình được Bộ Tư pháp giao phụ trách Báo Pháp luật Việt Nam từ ngày 14/12/2023 đến khi Bộ kiện toàn chức danh Tổng biên tập. Ngày 1/3/2023 vừa qua, ông Vũ Hoài Nam đã chính thức được điều động, bổ nhiệm từ Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ & Pháp luật về làm Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
Tiếp đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Báo về các công việc đã triển khai từ đầu năm đến nay và các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023.
Báo cáo của lãnh đạo Báo tại buổi làm việc cho biết, từ đầu năm đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao kịp thời của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ; của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông. Nội bộ cơ quan đoàn kết thống nhất, cán bộ phóng viên đều có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thời gian vừa qua, Báo cũng gặp nhiều thách thức do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm tối đa chi phí quảng cáo, mua báo tác động trực tiếp đến công tác phát hành và quảng cáo; tất cả các ấn phẩm báo in đều suy giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Báo Pháp luật Việt Nam, công tác xuất bản các ấn phẩm hoạt động bình thường, đúng tôn chỉ mục đích, không có sai phạm trong hoạt động. Các ấn phẩm đã tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiếp tục thông tin nhanh, toàn diện các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; tuyên truyền về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; hoạt động của các Ban, Bộ, ngành, địa phương liên quan tới an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội năm 2023. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ đầu năm đến nay, Báo đã thực hiện tổng rà soát các quy chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của Báo để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế. Công tác Đảng và đoàn thể được duy trì nề nếp. Công tác tài chính, công tác chăm lo đời sống, hỗ trợ viên chức, người lao động được thực hiện tốt.
Công tác sắp xếp các văn phòng đại diện, phương án tinh gọn phòng, ban đang được Ban biên tập triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu kiến nghị của Đoàn Thanh tra và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Thời gian tới, Báo sẽ tập trung thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Kết luận Thanh tra; các kết luận, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; khẩn trương hoàn thành các Quy trình, Quy chế làm việc nội bộ.
Về nội dung các ấn phẩm, tiếp tục bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Báo, tập trung thông tin các chính sách trong quản lý, điều hành của Chính phủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt vai trò là cơ quan truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp. Cùng với đó tiếp tục làm tốt công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp tinh gọn bộ máy, công tác kinh tế báo chí…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban Biên tập kịp thời nhận diện những thuận lợi, thách thức; kế thừa các mặt mạnh của Báo để duy trì và phát triển; cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Về kế hoạch công tác năm 2023, Thứ trưởng đề nghị Báo cần tập trung duy trì hoạt động trên các mặt công tác, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện.
Trong năm 2023, Báo cần phấn đấu hoàn thành sớm Kết luận Thanh tra. Trong hoạt động chuyên môn cần có sự đổi mới nội dung, hình thức ấn phẩm để thể hiện rõ bản sắc của Báo Pháp luật Việt Nam, trong đó chú trọng triển khai các nội dung tại Nghị quyết số 27, Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Cùng với đó, rà soát toàn diện đội ngũ cán bộ hiện tại, xây dựng tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo; làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn hóa cán bộ; quán triệt đầy đủ các nội dung của Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí. Rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Báo gắn liền với việc thực hiện Nghị định 98.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Báo khẩn trương xây dựng, ban hành các Quy trình, Quy chế làm việc nội bộ; Đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy…