Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Chung đề, chung đợt liệu còn phù hợp?
Đổi mới mà vẫn chưa thấy… mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mặc dù mang nhiều ưu điểm nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của việc phân loại học sinh của việc tổ chức thi trắc nghiệm. Việc đánh giá phổ điểm tốt nghiệp, so sánh kết quả học bạ của học sinh để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành dựa trên kết quả thi tốt nghiệp chưa được như mong muốn. Việc tổ chức một kỳ thi với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học cao đẳng cũng gây nên nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, dư luận trông chờ vào những thay đổi mạnh mẽ trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025. Năm học của lứa học sinh đầu tiên theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông tin mới nhất liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, mới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo. Theo đó, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 về cơ bản kế thừa được phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thực hiện xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được Luật Giáo dục đại học quy định.
“Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong các môn học lựa chọn ở trường phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, cách thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn không có nhiều đổi mới. Học sinh vẫn phải thi tốt nghiệp như hiện nay mặc dù chương trình và mục tiêu dạy học đã được thay đổi. Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chưa thi tốt nghiệp nhiều học sinh đã đậu đại học. Vậy tại sao đại học xét tuyển được mà tốt nghiệp thì không? Anh Nguyễn Duy Đông ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, năm nào cũng tổ chức thi tốt nghiệp nhưng kết quả trên 98% thí sinh dự thi đậu. Tỉ lệ đậu cao như vậy không cần thiết phải có một kỳ thi tốt nghiệp với quy mô hơn 1 triệu thí sinh. Trong khi đó, để tuyển sinh đại học nhiều trường phải tổ chức kỳ thi riêng vì thiếu niềm tin vào kết quả thi tốt nghiệp. Việc có quá nhiều kỳ thi và mỗi em phải thi nhiều lần đang là vấn đề bất cập của thi cử hiện nay.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thúy Hòa ở Nam Từ Liêm cho rằng, cần xét tốt nghiệp đối với những em tham gia thi chỉ vì hình thức cần đậu tốt nghiệp để vào đại học hoặc là những em không cần lấy điểm xét tuyển đại học mà cần chứng nhận tốt nghiệp. Nếu giảm được các đối tượng như vậy kỳ thi sẽ gọn nhẹ hơn nhiều.
Mạnh dạn áp dụng xét tuyển đại học
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Phạm Tất Dong cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay cũng đã có nhiều cách thi. Từ thi tập trung giao cho các trường đại học chấm hay như hiện nay thi ở địa phương và các giáo viên trường phổ thông chấm. Cách thi để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT nhiều người cho rằng tốn tiền.
“Chưa thi đã biết đỗ thì không nên tổ chức thi. Biết chắc trên 90% đỗ thì có cần thiết phải tổ chức thi” – Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn. Ông Phạm Tất Dong cũng cho biết, nhiều lần ông có trao đổi về vấn đề này nhưng có ý kiến phản hồi là Luật Giáo dục quy định phải có một kỳ thi quốc gia để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. “Tôi thì cho rằng có thể sửa luật. Cái gì không phù hợp thì mình chỉnh sửa. Cần linh động để thay đổi cho phù hợp” – ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Vị này cũng băn khoăn, nếu như giữ nguyên cách thi cũ trong khi mục tiêu của chương trình mới là đào tạo nên kỹ năng, phẩm chất của người học liệu còn phù hợp. Thi trắc nghiệm mà đánh giá được kỹ năng, phẩm chất thì rất khó thực hiện và dễ dẫn đến việc, học một đường, đánh giá một nẻo.
“Muốn biết năng lực thì họa sĩ phải thi vẽ, chứ không thể thi lý thuyết về vẽ. Cứ nói thi năng lực nhưng thực tế là lý thuyết. Đâm ra, học sinh không thuộc bài là chết. Thi năng lực phải thi thực hành hoặc có bài tập xuất phát từ thực tế, phải có những bài nào không phải là lý thuyết suông, những kỹ năng để giải quyết trong một bài tập. Học Lịch sử, học Địa lý thế nào là năng lực không ai giải thích được. Các môn khoa học xã hội và nhân văn rất khó để đánh giá năng lực” – Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cho rằng, thi tốt nghiệp nhiều nước khác cũng làm như nước ta hiện nay. Việc sử dụng kết quả tuyển sinh đại học hay không là do từng trường đại học tự quyết. Việc giữ một kỳ thi cũng cần thiết để có số liệu chung trong đánh giá chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ông Lê Trường Tùng cho rằng, không nên bắt tất cả học sinh phổ thông phải thi tốt nghiệp. Vì không thi thì 90% học sinh đã tốt nghiệp. Do đó nên xét 50% thí sinh đặc cách, còn lại 50% là thi. Việc xét này giao cho các thầy cô và nhà trường. Học sinh học tốt không cần phải thi. “Tôi cho rằng cần mở rộng đối tượng xét tốt nghiệp, trao quyền cho thầy cô xét tốt nghiệp. Dựa vào điểm tổng kết học bạ để xét tốt nghiệp” – ông Lê Trường Tùng nêu.
Như vậy qua trao đổi với chuyên gia cho thấy việc thi cử với quy mô 1 triệu thí sinh là không cần thiết. Cần áp dụng việc xét tốt nghiệp ở quy mô lớn. Việc xét tốt nghiệp sẽ tạo động lực cho học sinh học tập, cũng là cách giảm chi phí cho xã hội.
Học sinh thi 4 môn bắt buộc, 2 môn tự chọnBộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân với nhiều điểm mới. Trong đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 6 môn gồm: 4 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông (GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.