"Ôi, những người khóc lẻ loi một mình... "
Hoàng đế lưu đày tìm niềm vui nơi hội họa
Sau khi kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi cùng với đại thần Tôn Thất Thuyết mở đường kháng chiến chống Pháp. Nhà vua đã sống trong rừng rậm để lãnh đạo cuộc chiến và cuối cùng bị bội phản và người Pháp đã đưa nhà vua đi đày tại Bắc Phi.
Nhà vua trẻ tuổi đã khóc khi phải lên tàu rời xa quê hương Việt Nam, bắt đầu cuộc đời lưu vong nơi lục địa đen khi chưa đến 20 tuổi. Sử liệu ghi lại rằng, Chính phủ Pháp đã giám sát chặt chẽ khi nhà vua bị lưu đày ở Algerie, đi đâu cũng xin phép, thư tín, liên lạc gửi về Đông Dương bị ngăn cấm. Đây là mục đích của người Pháp cấm nhà vua liên lạc với quê nhà.
Năm đầu tiên bị lưu đày hết sức khó khăn đối với vua Hàm Nghi, vị bác sĩ theo dõi ông cho biết là ông mắc bệnh trầm cảm. “Ban ngày Hàm Nghi tỏ vẻ vui tươi, nhanh nhẹn, nhưng từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng ý tưởng buồn bã áp đảo, người ta bắt gặp hoàng thân khóc lóc và đêm nào cũng vậy.
Trạng thái như thế tương tự như ở những người bị chứng trầm cảm u sầu…; cần phải quan tâm đến trạng thái tinh thần của hoàng thân. Bị hoàn toàn lạc lõng, xa quê hương, quá đau đớn vì thân phận đoạ đày, tất cả làm cho hoàng thân không ngừng bị vây bủa trong nỗi buồn chán tột cùng” (trích Báo cáo y khoa của bác sĩ Grellet về hoàng thân Hàm Nghi vào ngày 11/2/1889)
Trong sự cô độc đó, nhà vua đã tìm kiếm nghệ thuật để giãi bày và những sáng tác hội hoạ của ông được khởi phát từ đây, từ xứ sở lưu vong và mất tự do.
Trong cuốn “Kho báu kinh thành Huế” tác giả Francois Thierry nhận định: Đức vua An Nam ngay từ đầu khi bị đặt lên ngôi báu đã không hề có sự “tự do" lựa chọn, và rồi bị buộc rời kinh thành trong lúc giao tranh nổ ra, vào thế bôn ba kháng chiến, bị bắt giữ, bị giải về kinh thành, để rồi bị lưu đày... Phải chăng giờ đây ở chốn Bắc Phi xa xăm, không hẹn ngày về lại quê hương, học hỏi ngôn ngữ và các môn khoa học, đi vào âm nhạc và nghệ thuật tạo hình hay là chơi thể thao, đã là những lối thoát tinh thần, như là một lựa chọn dễ chịu, dễ chấp nhận ở chốn lưu đày, có thể giúp ngài tìm lại phần nào cái khát vọng tự do không thể nào nguôi ngoai. Cuối cùng chốn lưu đày buộc dẫn đến một sự lựa chọn: con đường giải thoát bằng nghệ thuật. Và dường như nghệ thuật với hoàng thân, là chốn lưu đày cuối cùng…Vị quân vương trở thành người nghệ sĩ sáng tạo vì chính mình, vì sự giải thoát chính mình”.
Rất nhiều tác phẩm hội hoạ của nhà vua còn được lưu giữ, xuất hiện hình ảnh một cái cây đơn độc, có thể mang cùng một ý nghĩa biểu tượng. Trong một bức thư gửi cho một người bạn, nhà vua viết: “Những sáng tác như thế đã thuộc về cuộc đời tôi, cảnh đời của tôi. Tôi đọc theo các bức họa; nỗi thăng trầm của những ý tưởng u buồn của bản thân, niềm vui của tôi với muôn vàn sắc thái, và rồi tôi điểm lại từng lớp một, từng nếp gấp trong tâm hồn tôi, là suối nguồn nuôi dưỡng con người tôi, theo đó mang lại sự khuyến khích, cỗ vũ, sự an ủi vỗ về”.
Có thể nói nghệ thuật đã hàn gắn vết thương lòng quá lớn của một vị vua đã chứng kiến cảnh binh đao của nước nhà, triều đình ly tán, sống đời cô quạnh nơi đất khách. Sự sáng tạo đó cho thấy nhà vua là một người tài hoa, nhưng bất hạnh. Hội hoạ đã cứu cuộc đời vua Hàm Nghi khỏi sự dằn vặt quá lớn về vận nước.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết bài thơ “Tưởng niệm” để nhớ về vị vua yêu nước đầy xúc cảm: “Tấm thân phiêu dạt quê người/Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà/ Ngai vàng vừa cũ vừa xa/Ánh vàng vương miện cũng là hư không/Mặt trời vẫn mọc đằng đông/Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…”.
Nỗi cô đơn trên vùng biển vắng
Mỗi lần đến Quy Nhơn, tôi đều ghé thăm trại phong nơi thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mạc Tử chữa bệnh ở đây. Một nơi quá yên bình, biển sạch, vắng lặng, có thể nghe được thì lá khô chạy nhảy trên cát… Nhà thơ trẻ đã viết những câu thơ bất hủ đã sống xa lìa với loại người như vậy.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “Tôi đã nói lên đến cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che cho mái nhà đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cảnh thể phách lẫn linh hồn tan rã... Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kể chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”.
“...Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu/Sao bông phượng nở trong màu huyết/Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?” (Những giọt lệ- Hàn Mạc Tử)
Hàn Mạc Tử là một vóc dáng kỳ dị, một tuổi trẻ khổ đau với bệnh tật, rồi bị người đời xa lánh do kỳ thị bệnh tật, nhưng tiếng thơ của ông vẫn đầy rạo rực, khát khao của tuổi trẻ, yêu đương, làm bạn với trăng, với tiên, trò chuyện với thượng đế. Những tập thơ Gái quê, Thơ điên, Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên, Xuân như ý… đã ra đời trong dòng chảy cuồng loạn, đầy sáng tạo đó.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã thốt lên: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử".
Mất lúc 28 tuổi, Hàn Mạc Tử đã chịu đựng quá nhiều. Từ nỗi đau bệnh tật, sự kỳ thị, cô độc…niềm vui của ông còn lại là sáng tạo không ngừng. Nên khi ông mất đi, di sản thơ của ông vẫn đồ sộ với một ngôn ngữ rất đẹp, lạ, chứa đựng nhiều ý tưởng gợi mở về ngôn ngữ. “Lụa trời ai dệt với ai căng/ Ai thả chim bay đến Quảng Hằng/Và ai gánh máu đi trên tuyết/Mảnh áo da cừu ngắm nở nang” (Cuối thu - Hàn Mạc Tử).
Vĩ thanh
Đó là hai con người có tuổi trẻ đặc biệt. Một người là nhà vua lên ngôi khi triều đại đại thần bị lũng đoạn, rồi phiêu bạt chân trời góc bể, còn một người là Hàn Mạc Tử nhà thơ đau yếu bị bệnh tật, đã trút hết gan ruột vào thơ ca cuồng si.
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/Như mê man chết điếng cả làn da” (Rướm máu - Hàn Mạc Tử).
Cả hai đều có nỗi niềm riêng. Nhà vua nhớ về kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự, nhớ triều đại không thể phục dựng, nhớ những ngày kháng chiến chống Pháp… Nơi Bắc Phi xa xôi quê nhà khuất tầm mắt với, chỉ biết vẽ tranh cho thoải nỗi niềm và bây giờ tác phẩm của nhà vua sống mãi như tinh thần của ông.
Nỗi đau đến với chúng ta có thể là tình cờ hay định mệnh. Khi không có ai vỗ về, hãy tìm cách chữa lành vết thương bằng chính tự do của mình, tìm kiếm trong năng lượng của mình để toả sáng, chia sẻ, gửi tinh thần vào đó. Dù biết rằng tự mình làm điều đó khó khăn nhường nào, nhưng không làm cho mình thì cuộc đời lại bế tắc, lụi tàn theo năm tháng.
Một điều được viết lên, vẽ lên như vua Hàm Nghi hay Hàn Mạc Tử đều là máu thịt chân thành. Một cách để lưu giữ tinh thần mình và di sản cho hậu thế.