‘Ôm’ 30 ha đất, lão nông ở Thanh Hóa nuôi trồng đủ thứ, cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm
Nông dân thức thời
Năm 2017, nhận thấy nhiều diện tích đất trong xã bỏ hoang do người dân đi làm ăn xa, ông Tính đã đề nghị UBND xã Xuân Tín cho thầu lại để tổ chức làm nông nghiệp quy mô lớn.
Được xã vận động, hơn 200 hộ dân là chủ của 20ha đất nông nghiệp đồng ý chuyển đổi, tập trung đất cho gia đình ông Tính. Cùng với gần 10 ha đất có từ trước đó, ông có tổng cộng 30 ha đất để làm nông nghiệp. Ngay từ ban đầu, ông Tính đã xác định dành ra 10 ha đất để trồng lúa giống, 10 ha trồng lúa thương phẩm, 5 ha trồng sen lấy hạt xuất khẩu. Với 5 ha còn lại, ông cho trồng cây keo, nuôi trâu, vịt gà… và thả cá.
Những ngày giữa tháng 6, thời tiết tại Thanh Hóa nắng nóng, oi ả khiến mọi người ‘bốc hỏa’. Trong cái nắng gắt ấy, ông Tính vẫn đang cặm cụi cùng gia đình đi cấy, lồng ruộng, phun thuốc trừ sâu, hái sen…
Thấy khách lạ, ông Tính vội vã phun cho nhanh bình thuốc trừ sâu đang nặng trĩu trên vai rồi nhanh thoăn thoắt cùng chúng tôi về nhà, ông bảo: “Đất rộng, lại nuôi trồng đủ thứ nên ngày nào cũng phải ra ruộng đó. Tuổi mình cũng 60 rồi, muốn quây quần với con cháu nhưng cái máu làm nông nó ăn sâu rồi, giờ ngày nào không ra đồng lại thấy ngứa ngáy trong người”.
Sau khi rửa ráy qua loa, ông đưa chúng tôi đi thăm quan cánh đồng trồng trọt, chăn nuôi của mình bằng… xe máy. Thấy tôi ngơ ngác, ông khẽ giải thích: “Ở đây rộng lắm, để xem chỗ trồng sen, trồng keo, trồng lúa… rồi nuôi trâu, nuôi cá, nuôi ngan mà đi bộ thì đến tối mọ cũng chưa xong được đâu. Vậy nên giờ tôi với chú phóng ào ào qua mỗi chỗ một ít, không lại không kịp”.
Hướng ánh nhìn về phía người vợ là bà Nguyễn Thị Tươi (55 tuổi) đang cấy, ông nói: “Năm vừa rồi lúa làm 2 vụ, thu hoạch được trên 200 tấn, bán ra cho Công ty giống cây trồng Trung ương và Công ty giống cây trồng Quảng Bình, thu về được trên 1 tỷ. Trừ hết chi phí, lãi được gần 500 triệu đồng”.
Đi qua ruộng lúa là tới vườn keo, nhà ông trồng keo ở 2 khu vực, một chỗ ở gần nhà đang ở, một chỗ ở cạnh ao cá. Theo ông Tính, keo là loại cây trồng 6 năm mới thu hoạch, nên hiện giờ vẫn đang để đó, đợi đủ năm mới bán.
Với sen, ông quy hoạch thành 2 hồ với diện tích 2,5 ha/ hồ. Theo ông, trong năm ngoái, từ tiền hạt sen đã giúp ông thu về được 150 triệu đồng.
Treo chuồng vì thức ăn tăng cao
Tới khu vực chăn nuôi, ông Tính tỏ ra khá trầm tư khi năm 2020 đến nay, ông đã dẹp bỏ gần như hoàn toàn việc nuôi ngan và gà. Ông kể, vào 2 năm trước, ông nuôi 2.000 con gà và 2.000 con vịt. Thời điểm đó, nuôi có lãi vì chi phí vận chuyển giảm do giá xăng dầu thấp, đồng thời dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu thực phẩm gia tăng.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022, câu chuyện lại đổi chiều hoàn toàn khi giá xăng liên tục lập kỷ lục, giá thức ăn tăng từ mức 150 – 180 nghìn đồng/bì lên 250 nghìn đồng/bì ở thời điểm hiện tại. Trong khi, giá sản phẩm bán ra không tăng, điều này khiến thu không đủ bù chi, lỗ nặng nên ông đành ‘gác chuồng’.
Về chăn nuôi, cũng may là ông có ‘dự trữ’ được gần 20 con trâu để phối giống. Mỗi năm, các lứa trâu cũng đẻ được gần chục con, bán đi cũng kiếm được khoảng 100 triệu đồng tiền lời. Mà theo ông, cái này rất tốt, vì thức ăn là rơm rạ có, chỉ mất ít tiền để tiêm phòng, ngoài ra không cần đầu tư thêm gì.
Tại ao nuôi cá, ông cho biết hiện ông đang có khoảng 5 ao nuôi với tổng diện tích mặt nước 2 ha. Mỗi năm, ông bán gần 10 tấn cá trắm, trôi, gáy…, cho thu nhập gần 200 triệu đồng, trừ hết chi phí, cũng lãi ngót hơn 100 triệu đồng.
Ngoài các nguồn thu từ việc nuôi trồng trên quỹ đất 30 ha, ông Tính còn chịu chi ra gần 3 tỷ đồng để mua 2 chiếc máy gặt, 4 chiếc máy cày cho người con trai sử dụng. Ông nói rằng, riêng tiền lồng, tiền cày bừa và cắt nếu thuê ngoài thì mất hàng trăm triệu mỗi vụ, như thế lãi chỉ còn mỏng dính. Bởi thế, ông chủ động đầu tư máy móc ngay từ ban đầu để lấy công làm lãi, ngoài ra, ông còn ký hợp đồng bao thầu cày bừa, cắt, thu hoạch lúa cho nhiều cánh đồng của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Nhờ đó, mỗi năm, ông thu được trên 320 triệu đồng từ 2 vụ lúa.
Một điều mà ông Tính luôn lấy làm tự hào xuyên suốt câu chuyện đó là ông nghĩ, nhờ tích tụ được ruộng đất, tránh bỏ hoang mà nhà ông có thêm nguồn thu lớn, nhà nước cũng có nguồn thuế, sản. Ông Tính nói, mỗi năm, ông đóng cho xã bằng cả tiền và lúa quy đổi ra là trên 100 triệu đồng.
Đồng thời, cánh đồng mẫu lớn nhà ông cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 người với mức thu nhập từ 5- 7 triệu/tháng, 20 lao động thời vụ vụ với mức thu nhập từ 200 – 400 nghìn/ngày.
Nói về mô hình tích tụ ruộng đất đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Văn Tính và nhiều hộ dân khác trên địa bàn, ông Lê Tất Vang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thọ Xuân cho biết: Rất nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư cơ sở, máy móc, thiết bị để sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. So với quy mô làm nhỏ lẻ, nếu làm tập trung, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn từ 20 – 25%. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, huyện Thọ Xuân sẽ tích tụ thêm 670 ha đất nông nghiệp quy mô lớn.