Đón Tết nơi nóc nhà thế giới
Đến Nepal vào mùa xuân, du khách được tận mắt ngắm nhìn những rặng núi tuyết trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời tuyệt đẹp và có những trải nghiệm tâm linh sống động khi cùng với người dân bản địa hòa mình vào những lễ hội văn hóa, nghệ thuật Phật giáo đầy màu sắc tại đây.
Giống như nước láng giềng Bhutan, Nepal là quốc gia Phật giáo vùng văn hóa Himalaya. Trong tiếng Tạng, Losar có nghĩa là “Năm mới”. Lịch Tạng gồm 12 tháng âm lịch và Tết Losar rơi vào ngày đầu tiên của tháng 1 âm lịch. Tết Losar có 3 ngày chính, nhưng ở một số nơi các hoạt động lễ hội có thể kéo dài từ 10 đến 15 ngày tiếp theo. Đối với người dân Nepal, đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, thể hiện đầy đủ những nét văn hóa và tín ngưỡng độc đáo như: Lễ cúng dàng chư Phật Bồ tát, lễ hội Đèn Bơ và các màn múa hát mang đậm màu sắc, nghi lễ Phật giáo.
Trước Tết khoảng một tháng, người dân Nepal đã bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, may quần áo mới cho các thành viên trong gia đình và thay cờ cũ bằng những lá cờ mới nhiều màu sắc. Các gia đình ở đây đặc biệt coi trọng việc may những lá cờ cầu nguyện (cờ Lungtar) bằng vải hình vuông nhiều màu sắc: trắng, xanh dương, xanh lá cây, vàng, đỏ, nền cờ được trang hoàng các biểu tượng linh thiêng cùng với lời cầu nguyện. Họ treo cờ cầu nguyện sặc sỡ trên đồi núi và nóc nhà, cúng hương hoa dâng lên chư Phật Bồ tát.
Họ hát và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Người Nepal tin rằng, lời nguyện cầu và lời tụng chân ngôn sẽ được thổi tới các cung trời như là những phẩm vật cúng dâng tới chư Phật Bản tôn, đem lại thật nhiều lợi lạc cho những ai treo cờ, cho hàng xóm của họ và cho tất cả chúng sinh bao gồm cả muông thú và cây cỏ.
Người dân Nepal sống giản dị, hiền hòa và đặc biệc chú trọng thực hành tâm linh trong môi trường cuộc sống hàng ngày. Đất nước này cũng sở hữu hàng trăm thánh tích cổ kính cùng các ngôi tự viện linh thiêng là trụ xứ của các bậc giác ngộ và hành giả tu học Phật pháp.
Nhiều gia đình đốt nhựa thông và rải các loại ngũ cốc màu, lúa mì lên mái nhà trước bình minh để cầu mong một năm mới thịnh vượng. Những lời chúc mừng năm mới phổ biến bao gồm cụm từ "Losar bey tashi delek", có nghĩa là "những lời chúc phúc và may mắn cho năm mới". Cờ cầu nguyện có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi và các sự kiện bao gồm đua ngựa, đấu vật và trò chơi kéo co. Lấy cảm hứng từ Tết Nguyên đán của các dân tộc ở châu Á, những gói hoặc phong bì đựng tiền được tặng cho trẻ em như một biểu tượng của sự may mắn và một năm thành công phía trước.
Theo truyền thống, hạt lúa mạch nảy mầm và xô tsampa (bột lúa mạch rang với bơ) và các loại ngũ cốc khác được dâng lên bàn thờ trong nhà để đảm bảo một vụ mùa bội thu. Việc chuẩn bị cho Losar bắt đầu vào đầu tháng 12. Lễ kỷ niệm bao gồm làm bơ, ủ chang (rượu lúa mạch), chuẩn bị các món thịt lợn và thịt cừu, nấu súp guthuk và bột viên,…
Guthuk là một phần nghi lễ của lễ hội Losar để gột rửa một năm đã qua và chuẩn bị cho một năm mới bội thu. Món ăn này được nấu từ chín nguyên liệu gồm: nấm, cần tây, labu (củ cải daikon), đậu Hà Lan, cà chua, hành tây, gừng, tỏi và rau bina. Thịt bò hoặc thịt bò và pho mát khô được sử dụng trong guthuk.
Món súp truyền thống thukpa bhatuk là món ăn phổ biến vào mùa đông của người Tây Tạng, bao gồm mì bhatsa nhỏ và các loại rau được thêm vào để tạo nên nước dùng thơm ngon. Nó đặc biệt quan trọng trong dịp Tết Losar và vào dịp nyi-Shu-Gu (đêm giao thừa), món thukpa bhatuk được làm bằng những nguyên liệu đặc biệt để tạo thành món guthuk, ăn vào ngày Tết Losar.
Tụng kinh thánh và thắp lửa thiêng là những nét đặc trưng của nghi lễ Metho, được cho là để xua đuổi những năng lượng tiêu cực và chào đón những linh hồn tốt lành bằng cách đọc nhiều khẩu hiệu khác nhau và đốt nhang.
Từ Nepal trở về du khách mang theo hơi thở mùa xuân đầy ắp đạo vị, năng lượng gia trì thiêng liêng từ miền đất Phật, cảm xúc thăng hoa của một chuyến du xuân đặc biệt, tâm bình an và thầm chúc cho thế giới một năm mới an lành…