1. Trang chủ /
  2. Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

chủ nhật, 1/1/2023 20:15 GMT+07
Sáng 1/1/2023, Bộ GTVT lần đầu tiên tổ chức lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 - 2025; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công.

Lễ khởi công đồng loạt tại 12 Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 - 2025được diễn ra tại 09 tỉnh. Trong đó, 03 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 03 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi, với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 09 điểm cầu còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (02 điểm), Quảng Bình (01 điểm), Quảng Trị (01 điểm) Bình Định (01 điểm), Phú Yên (02 điểm), Khánh Hòa (01 điểm) và Cà Mau (01 điểm).

"Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống Bắc – Nam"

Tại điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km, trong đó có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Thủ tướng dự Lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và Trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021) để nối thông suốt toàn tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công.

“Tôi đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lo lắng: Thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức như: Phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; Chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; Việc thi công khối lượng rất lớn trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.

Thủ tướng yêu cầu, việc thực hiện Dự án phải đảm tiến độ, không để kéo dài; Không được tăng tổng mức đầu tư; Bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; Bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực; Tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương nhấn nút khởi công dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quảng Ngãi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp bố trí và ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án ở khu vực phía Nam. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Đối với UBND các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

Đối với các nhà thầu thi công, Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu; các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm…

Cũng tại buổi Lễ, để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch như đã đề ra trong khi thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2022 còn 1 tháng, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Bộ GTVT phát động “Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông”; Bộ KHĐT phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công.

“Sau lễ phát động này, tôi đề nghị các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, tạo khí thế thi đua sôi nổi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung của Tháng thi đua cao điểm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến”, Thủ tướng nêu.

Kết nối hạ tầng các trọng điểm kinh tế

Dự lễ khởi công hôm nay, tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau; Kiên Giang; Bạc Liêu và Hậu Giang (có dự án đi qua); đại diện Bộ Giao thông vận tải…

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khởi công dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, với chiều dài 22,4 km, từ Km91+800 - 114+200 (tại nút giao IC11 - Km119

Đây là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc –Nam. Riêng dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau có 2 gói thầu. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gồm 1 gói thầu, chiều dài 37,65km, và 1 gói thầu đoạn Hậu Giang - Cà Mau 22,4km.

Tổng chiều dài toàn tuyến là gần 110km, trong đó đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 63km, chiếm gần 60% toàn tuyến với 4 nút giao, ảnh hưởng 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và huyện Long Mỹ.

Tính đến cuối tháng 11, tỉnh đã bàn giao diện tích mặt bằng là 296ha, đạt 81,9% tổng diện tích đất phải thu hồi của toàn dự án.

Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng đạt 82,5%, đảm bảo mặt bằng khởi công.

Tuyến Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được Bộ GTVT giao do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.


Tại điểm cầu Quảng Bình, trong lễ khởi công đoạn Vũng Áng-Bùng nối Hà Tĩnh và Quảng Bình, Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ luôn chỉ đạo sát sao, quyết liệt và cùng đồng hành với Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án trong quá trình triển khai, đảm bảo sớm bàn giao 100% diện tích các gói thầu xây lắp trước Quý II năm 2023 để dự án được triển khai thuận lợi, đưa vào khai thác sử dụng theo đúng mục tiêu, tiến độ trong năm 2025, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra.

Ông Thắng nhận định: Sau khi Dự án hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và bảo đảm quốc phòng-an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Các đại biểu bấm nút khởi công dự án sáng nay 1/1.

Đặc biệt, trong bối cảnh Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng và đang tập trung phát triển Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung tổ chức thi công

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án, trong đó có Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022) với tổng chiều dài 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, sẽ hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Bộ GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam (Ảnh minh họa).

Dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai.

Ngay sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, một số cơ chế đặc thù được áp dụng trong triển khai Dự án, cụ thể: Chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; sự phối hợp đồng thời của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, cơ quan thẩm định, chủ đầu tư để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất; đẩy mạnh tuyên truyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão theo yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay Dự án, bám sát các mốc tiến độ yêu cầu.

Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023. Ngoài ra, còn thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tại điểm khởi công Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 85 (đơn vị Chủ đầu tư dự án) cho biết: Sau một thời gian thực hiện, gói thầu số 11-XL “Thi công xây dựng đoạn Km0+000 - Km23+500 diễn ra tại tỉnh Bình Định” với giá trị hơn 2.960 tỷ do Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường sơn thi công dưới sự giám sát của Tư vấn Công ty Cổ phần tư vấn T27 trong thời gian thực hiện Hợp đồng 34 tháng đã chính thức được khởi công xây dựng theo đúng thời hạn của Nghị quyết của Chính phủ cũng như theo quy định của pháp luật.

Với trách nhiệm được Bộ Giao thông vận tải giao là Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 85 xin hứa sẽ phấn đấu nỗ lực chỉ đạo và cùng với Tư vấn, Nhà thầu để triển khai dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng của công trình theo quy định của Nhà nước, đáp ứng được mục tiêu đề ra của Dự án.

Ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 85

Qua đây, phía Ban Quản lý dự án 85 cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành, cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của UBND tỉnh Bình Định, các chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn.

Theo Bộ GTVT: Tình hình thực hiện 04 dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông,giai đoạn 2017 – 2020:
Khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2019. Dự án có điểm đầu Km0+00 trùng với Km10+380 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối Km102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khối lượng chính gồm 33 cầu trên tuyến cao tốc, 16 cầu vượt ngang, 05 nút giao liên thông. Đến nay, đã hoàn thành và được Bộ GTVT tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31/12/2022 theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Ngoài ra, còn thông xe kỹ thuật 03 dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63,37 km đi qua tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km đi qua tỉnh Bình Thuận; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cả 03 dự án thành phần trên được khởi công vào tháng 9/2020.
Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu phát huy kết quả đạt được của phong trào thi đua “120 ngày đêm”, giữ vững nhịp độ, không khí khẩn trương, quyết tâm thi công trên công trường, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.