Ông Putin ký bỏ phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân, Nga cảnh báo Ba Lan
Nga cho biết việc hủy bỏ Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) chỉ nhằm mục đích đưa Nga ở vị thế giống Mỹ, quốc gia đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này. Nga cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trừ khi Mỹ làm vậy.
Việc Tổng thống Putin ký luật hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước đã được đăng trên một trang web của Duma Quốc gia Nga và tuyên bố quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Cả hai viện của Quốc hội Nga trước đó đã thông qua dự luật này để gửi đến cho ông Putin ký thành luật.
Các nhà ngoại giao Nga nói rằng việc hủy bỏ sẽ không thay đổi vị thế hạt nhân của Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, hoặc cách nước này chia sẻ thông tin về các hoạt động hạt nhân vì Moscow sẽ vẫn là một bên ký kết hiệp ước.
Hiệp ước này đã thiết lập một mạng lưới các trạm quan sát toàn cầu có thể phát hiện âm thanh, sóng xung kích hoặc bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân. Nước Nga thời hậu Xô Viết chưa hề tiến hành thử hạt nhân. Lần thử nghiệm cuối cùng của Liên Xô là vào năm 1990 và Mỹ là vào năm 1992.
Trong một diễn biến khác, Nga đã đưa ra lời cảnh báo đối với Ba Lan. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng Nga đang coi quốc gia NATO và đang hỗ trợ Ukraine này là “kẻ thù nguy hiểm” và có thể mất tư cách nhà nước nếu tiếp tục đi theo con đường hiện tại.
Ông Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra bình luận trên trong một bài báo dài 8.000 từ về quan hệ Nga - Ba Lan, nói rằng Moscow hiện có một "kẻ thù nguy hiểm" ở Ba Lan.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Warsaw và Moscow xuống mức thấp mới. Nga đã lên án điều mà họ coi là lập trường thù địch của Ba Lan đối với họ và các lợi ích của Nga ở Ba Lan.