Đồng Tháp: Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ không quá 10 ngày làm việc
Quyết định UBND tỉnh Đồng Tháp Ban hành kèm theo quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2022 và bãi bỏ Quyết định số 53/2016/QĐ-UBND ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy định cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Theo quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn của UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành quy định tất cả các công trình, nhà ở riêng lẻ trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các trường hợp:
Công trình, nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 30 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật số 62/2020/QH14); Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP); Công trình quảng cáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Quảng cáo năm 2012.
Đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng thì việc xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo đảm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, di tích lịch sử - văn hóa, an ninh - quốc phòng và các vấn đề về quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình, nhà ở riêng lẻ thực hiện theo quy định tại các Điều 91, 92, 93 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 31, 32, Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 và Điều 41 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Diện tích, kích thước lô đất xây dựng nhà ở mới được xác định cụ thể theo đồ án quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các khu vực hiện hữu trong đô thị, trung tâm cụm xã, điểm dân cư nông thôn chưa được xác định diện tích, kích thước lô đất cụ thể hoặc diện tích, kích thước lô đất còn lại sau khi Nhà nước thu hồi đất, tùy theo tình hình hiện trạng, kiến trúc cảnh quan chung của khu vực, mà cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xem xét quyết định việc cấp giấy phép xây dựng cho phù hợp.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình, nhà ở riêng lẻ thực hiện theo quy định tại các Điều 95, 96, 97 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 34, 35 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 và quy định tại các Điều 43, 44, 45, 46, 47 và 48 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 03 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
UBND tỉnh Đồng Tháp phân cấp cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh: Công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, cấp II; Công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã được xếp hạng; công trình xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40m2 trở lên; Công trình xây dựng nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; công trình thuộc dự án vốn khác thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế nếu có yêu cầu phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng và các công trình khác do UBND tỉnh yêu cầu khi cần thiết.
UBND tỉnh phân cấp cho Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với tất cả các công trình xây dựng thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế được giao quản lý.
UBND các huyện, thành phố tổ chức cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp. Trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng làm thay đổi quy mô cấp công trình thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo cấp công trình sau điều chỉnh theo đơn đề nghị của chủ đầu tư.
Trường hợp đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho dự án mà dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp cao nhất có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng các công trình còn lại thuộc dự án.
Cấp công trình để xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trường hợp dự án có nhiều công trình với cấp khác nhau, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho toàn bộ các công trình thuộc dự án được xác định theo thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với công trình có cấp cao nhất.
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng trong thời gian quy định:
Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép di dời, điều chỉnh giấy phép xây dựng thì thời gian giải quyết không quá 15 ngày làm việc đối với công trình và không quá 10 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn theo quy định này.
Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng thì thời gian giải quyết không quá 05 ngày làm việc. Tùy theo đặc điểm, tình hình của từng cơ quan cấp giấy phép xây dựng trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính mà xây dựng quy trình cấp giấy phép xây dựng với thời gian giải quyết nhanh hơn thời gian theo quy định này.
Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật; trong thời hạn 07 ngày làm việc đối với công trình và nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình, sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được xem là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp thực hiện trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 104 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 55 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết đối với những trường hợp vượt thẩm quyền hoặc lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của các cơ quan cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.