1. Trang chủ /
  2. Phải bít lỗ hổng quy định pháp luật từ các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ

Phải bít lỗ hổng quy định pháp luật từ các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ

thứ ba, 21/3/2023 23:11 GMT+07
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề nghị: Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cần phải tổng hợp lại để kiến nghị, bít các lỗ hổng trong quy định pháp luật mà thực tế đã bị lợi dụng, lạm dụng.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) tham gia chất vấn. Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) tham gia chất vấn.

Có những cách hiểu, áp dụng khác nhau về quy định pháp luật

Ngày 20/3, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

phai bit lo hong quy dinh phap luat tu cac vu an tham nhung kinh te chuc vu hinh 1
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) tham gia chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng: Cần phải hoàn thiện thể chế chính sách, đầu tiên là phải tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tiêu cực, tham nhũng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính hiện nay. Việc thứ hai, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, dễ áp dụng cũng như không thể hiểu và làm khác được.

Gần đây, các quy định trong hệ thống pháp luật của chúng ta được ban hành rất nhiều và chất lượng cũng được nâng lên, nhưng tồn tại khá phổ biến là văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; có những cách hiểu, nhận thức, áp dụng khác nhau.

“Tôi nói thí dụ, vấn đề đấu giá và không đấu giá đất. Luật Đất đai thì nói phải đấu giá, trong khi đó Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản lại không; không có sự đồng nhất như thế”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí dẫn chứng.

Thứ ba, qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cần phải tổng hợp lại để kiến nghị, bít các lỗ hổng trong quy định pháp luật mà thực tế đã bị lợi dụng, lạm dụng.

Thứ tư, phải có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội cũng như yêu cầu bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát.

phai bit lo hong quy dinh phap luat tu cac vu an tham nhung kinh te chuc vu hinh 2
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị tăng cường chế tài trách nhiệm quản lý Nhà nước nếu để xảy ra sai phạm, nhất là những khâu, lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, không để lợi dụng. Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện, ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật để răn đe.

Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt của ngành

Đối với vấn đề chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định, việc chống oan sai, chống lọt là một chủ trương xuyên suốt của ngành… Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, tôi đã yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất và nhận dạng”.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, ông cũng đã chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo 2 hướng buộc tội và gỡ tội, áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn, chuyển hóa chứng cứ kịp thời, chặt chẽ, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; chú ý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, đảm bảo đúng pháp luật.

phai bit lo hong quy dinh phap luat tu cac vu an tham nhung kinh te chuc vu hinh 3
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.

“Những vấn đề mới và phức tạp, tôi yêu cầu là phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình và yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện, lịch sự trong xem xét, đánh giá chứng cứ. Trong xác định tội danh và khung hình phạt phải đảm bảo vừa xử lý nghiêm, vừa khoan hồng, nhân văn, thuyết phục, như Tổng Bí thư đã chỉ đạo. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà bản án chưa có hiệu lực thi hành thì chúng tôi đều yêu cầu xem xét trong xác minh, điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ cả 2 yêu cầu buộc tội và gỡ tội, phải phúc cung trước khi quyết định truy tố”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí chia sẻ về giải pháp để hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời thêm: “Một giải pháp nữa trong chống oan sai, bỏ lọt tội phạm mà chúng tôi cho rằng nó rất quan trọng, đó là công tác cán bộ. Trước hết, chúng tôi yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại, sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị. Thậm chí, xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên nếu có hướng dẫn, chỉ đạo vụ việc, vụ án đó”.

phai bit lo hong quy dinh phap luat tu cac vu an tham nhung kinh te chuc vu hinh 4
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Xử lý nghiêm người cầm đầu vụ lợi, nhưng nhân văn với người rủi ro

Đối với vấn đề bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quan điểm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí là: Chúng ta phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt tài sản, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc này càng xử lý nghiêm khắc, càng răn đe, giáo dục chung thì tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong thực tiễn các vụ án, kể cả áp dụng pháp luật hiện nay có những trường hợp người ta thực hiện do mệnh lệnh của cấp trên hoặc cấp trên gợi ý cấp dưới phải chấp hành. Cần có quy định để giải quyết cho hợp tình, hợp lý.

“Khi có những yếu tố rủi ro, bất khả kháng ngoài dự kiến và người ta chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai thì sửa, hợp tác giúp cho các cơ quan chức năng có thể điều tra làm rõ các vụ án. Chỗ này nếu áp dụng miễn, giảm, tha đối với luật hiện hành có vướng. Ở Bộ luật Hình sự chỉ nói rằng khi “tính chất nguy hiểm xã hội không đáng kể”, chữ “không đáng kể” không có định lượng, cho nên rất khó”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị, nên giảm chế tài khung hình phạt tù, mà tăng chế tài phạt tiền để đảm bảo chúng ta vừa xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt, vụ lợi; nhưng nhân văn với những người rủi ro.