1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Ba Vì: Kịp thời ngăn chặn nhiều vụ giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại

Ba Vì: Kịp thời ngăn chặn nhiều vụ giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại

thứ hai, 15/1/2024 09:42 GMT+07
Cơ quan Công an khuyến cáo, tuyệt đối không có việc cán bộ Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để điều tra. Khi phát hiện người lạ gọi điện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần chủ động báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Công an xã Tản Lĩnh phối hợp tổ chức tín dụng giải thích thủ đoạn lừa đảo mà đối tượng lừa đảo dùng để đe dọa ông Đ (Ảnh: CAHN) Công an xã Tản Lĩnh phối hợp tổ chức tín dụng giải thích thủ đoạn lừa đảo mà đối tượng lừa đảo dùng để đe dọa ông Đ (Ảnh: CAHN)

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) liên tiếp xuất hiện nhiều đối tượng giả danh Công an, gọi điện đe dọa nhiều người cao tuổi rằng họ có liên quan đến các vụ trọng án và yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản để chứng minh vô tội.

Theo đó, chỉ trong 2 ngày liên tiếp 30/11/2023 và ngày 1/12/2023, Công an xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) phối hợp tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 vụ giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại, giúp người dân tránh mất oan hàng tỉ đồng.

Gần đây nhất, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 1/12, ông N.X.Đ (sinh năm 1952, trú tại thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an. Người này thông báo ông Đ liên quan đến một vụ vi phạm pháp luật, thông tin cá nhân và số điện thoại của ông đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để đăng ký tài khoản ngân hàng với mục đích mua bán trái phép chất ma túy, hiện đã có "lệnh bắt bị can để tạm giam", yêu cầu ông khai báo toàn bộ thông tin về tài khoản ngân hàng.

Công an xã Tản Lĩnh phối hợp tổ chức tín dụng giải thích thủ đoạn lừa đảo mà đối tượng lừa đảo dùng để đe dọa ông Đ (Ảnh: CAHN)

Sau đó, người lạ này còn yêu cầu mọi thông tin về sự việc phải được giữ bí mật. Nếu ông không chuyển vào số tài khoản đối tượng cung cấp số tiền 500 triệu đồng, thì sẽ bị bắt để điều tra. Do lo sợ, ông Đ đến ngân hàng để giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Khi đến Phòng Giao dịch ngân hàng Agribank chi nhánh xã Tản Lĩnh để yêu cầu rút số tiền 500 triệu đồng từ sổ tiết kiệm, nhân viên ngân hàng nghi ngờ ông Đ đang bị lừa đảo, nên đã gọi điện báo Công an xã Tản Lĩnh. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Tản Lĩnh đã nhanh chóng có mặt tuyên truyền, giải thích đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng, nên ông Đ đã không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Tương tự, ngày 30/11, Công an xã Tản Lĩnh đã giúp bà N.T.H (sinh năm 1970, trú tại thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh) kịp thời dừng chuyển 1 tỉ đồng qua tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Công an.

Từ những vụ việc, thủ đoạn lừa đảo nói trên, Công an huyện Ba Vì khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Tuyệt đối không có việc cán bộ Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để điều tra. Khi phát hiện người lạ gọi điện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần chủ động báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.