1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Buôn Đôn đã hết chuyện buồn

Buôn Đôn đã hết chuyện buồn

thứ tư, 22/6/2022 10:16 GMT+07
(PLM) - Buôn Đôn trước đây nổi lên là địa phương có nhiều tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, đặc biệt là khiếu kiện của những đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các xã như Ea Wer, Cuôr Knia. Nhận biết được điều này, những năm gần đây chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.
Nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Ảnh: Hải Minh
Nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Ảnh: Hải Minh

Nhờ vậy, việc khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai của các hộ đồng bào đã giảm mạnh.

Khi dân chưa hiểu luật

Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là huyện biên giới giáp Campuchia, có 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,4%, chủ yếu là dân tộc Ê-đê, Tày, Nùng, Thái, M’nông… 

Xã Ea Wer huyện Buôn Đôn có 14 thôn, buôn, trong đó có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và 2 thôn có phần lớn dân cư là dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc. Vốn là một xã vùng 3, điều kiện ở các thôn, buôn dân tộc thiểu số lại càng thêm khó khăn bởi trình độ, nhận thức của bà con chưa cao, đất đai canh tác cằn cỗi, bạc màu. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer Nguyễn Văn Tám cho biết, bà con dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ thường cho rằng đất đai canh tác do ông cha để lại thì cứ thế mà sử dụng chứ chưa am hiểu và quan tâm nhiều đến các thủ tục pháp lý có liên quan. Điều này dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về ranh giới, khó khăn cho bà con khi cần sang nhượng, cho tặng, thừa kế, vay vốn làm ăn…

Từ thực tế này, đã có nhiều vụ tranh chấp đất đai của chính anh em trong gia đình, của hàng xóm láng giềng gây mất an ninh trật tự. Đã có những vụ việc do tranh chấp đất đai của cha mẹ để lại anh xem xảy ra mâu thuẫn đánh, giết nhau; vợ chồng, hàng xóm không còn “nhìn mặt nhau” do đất. 

Cũng có nhiều vụ việc không thể xử lý bằng thương lượng, hòa giải mà phải “kéo nhau” ra tòa, thậm chí nhiều vụ việc còn rơi vào bế tắc khi người dân không có những kiến thức cơ bản về luật pháp.

Trước tình hình trên, chính quyền xã Ea Wer đã ưu tiên tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi phát động quần chúng, lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư giúp người dân dễ dàng nắm bắt các chính sách, pháp luật về đất đai. Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền cũng ngày càng được đa dạng hơn qua hình thức tờ gấp, bản tin trên loa truyền thanh, niêm yết văn bản tại nhà cộng đồng hoặc trụ sở thôn, buôn… 

Mặt khác, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được thông tin rộng rãi đến người dân theo quan điểm bảo vệ tối đa quyền lợi của nhân dân dựa trên các quy định của pháp luật. Nhờ đó, trong hơn hai năm qua, ý thức chấp hành của bà con đã có những chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày một tăng, đạt trên 90%, toàn xã không có tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Xã Cuôr Knia có 67% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư đến địa bàn xã từ khoảng 30 năm trước. 

Ông Hoàng Quốc Việt, cán bộ địa chính xã Cuôr Knia chia sẻ, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn đã đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, do tình hình sử dụng đất của bà con có nhiều biến động nên địa bàn xã vẫn xảy ra những vụ việc chồng lấn về ranh giới, tranh chấp diện tích đất giáp ranh. Khi xảy ra tranh chấp thì người dân lại không hiểu đúng pháp luật về đất đai nên rất khó giải quyết.

Bà con xã Ea Wer huyện Buôn Đôn tham gia xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Hải Minh
Bà con xã Ea Wer huyện Buôn Đôn tham gia xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Hải Minh

Lãnh đạo xã cho biết, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể luôn ưu tiên thực hiện tuyên truyền, vận động bà con đăng ký, cập nhật các biến động đất đai. Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy, ban tự quản và người có uy tín ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chuyển tải các chính sách về đất đai, kiến thức về pháp luật có liên quan để người dân nắm vững hơn. 

Thông qua việc hòa giải, xử lý các vụ việc tranh chấp, chính quyền xã cũng lồng ghép công tác tuyên truyền, giúp các kiến thức pháp luật trở nên gần gũi hơn với thực tế đời sống của bà con. Nhờ đó, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, khiếu kiện, tranh chấp đã giảm nhiều so với những năm trước đây.  

Cuộc sống đồng bào đã đổi khác

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cần hiểu rõ pháp luật về đất đai nói riêng và pháp luật nói chung của đồng bào dân tộc thiểu số, nên không chỉ cán bộ chính quyền địa phương mà bộ đội biên phòng cũng vào cuộc tích cực để tuyên truyền cho bà con hiểu. Đó cũng là cách để đảm bảo an ninh trật tự cũng như giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, đơn vị chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống loa truyền thanh, loa cơ động, sinh hoạt tập trung hoặc đến tận hộ dân để tuyên truyền. Một cách làm hiệu quả khác đang được duy trì và phát huy là thành lập “Tủ sách pháp luật đường biên”, phối hợp với địa phương thành lập các tổ tư vấn pháp luật, câu lạc bộ chấp hành pháp luật.

Hiện nay, trên các địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng được 14 tủ sách pháp luật với hàng nghìn cuốn sách, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa có nội dung về pháp luật. Tổ tự quản an ninh trật tự, tự quản đường biên đã được thành lập, hoạt động hiệu quả tại 38 thôn, buôn với 308 thành viên tham gia. Ngoài ra, các câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Phụ nữ phòng, chống vượt biên”… được thành lập, mỗi thành viên trở thành cầu nối tích cực trong tuyên truyền, giáo dục gia đình và cộng đồng cùng thực hiện.

Song song với đó, những năm qua, Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật, Ngày Pháp luật được phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức với các hình thức phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Nhờ đó, hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 23 tập thể, 421 gia đình, 3.290 cá nhân tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; 26 tập thể, 482 gia đình, 1.559 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

Cùng với tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho bà con là các chương trình phát triển kinh tế cũng được chính quyền địa phương chú trọng. Trong đó, Chương trình Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ (Chương trình 135) và Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (Quyết định 102/2009/QĐ-TTg) mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Riêng năm 2017, huyện Buôn Đôn đã phân bổ 8,144 tỷ đồng vốn Chương trình 135 về các xã để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bò sinh sản cho người dân và duy tu các công trình hạ tầng sau đầu tư và trên 2,5 tỷ đồng vốn Chính sách 102 để hỗ trợ giống, phân bón cho hộ nghèo…

Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều đã có đường rải nhựa vào tới trung tâm và hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt của người dân; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa và trạm y tế đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24 triệu đồng/năm.

Ông Y Si Thắt Ksơi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Do điều kiện tự nhiên, điều kiện sống của đồng bào trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn hạn chế, do vậy, huyện luôn chú trọng triển khai nghiêm túc, kịp thời đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng các chương trình, dự án chính sách dân tộc đến với vùng đồng bào. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ hộ khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi các mô hình phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất.


Có thể bạn quan tâm