1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân gây sạt lở kè Xâm Thị

Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân gây sạt lở kè Xâm Thị

thứ ba, 15/3/2022 10:33 GMT+07
(PLM) - Cơ quan chức năng xác định, việc nạo vét vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân là nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở rất nghiêm trọng và nguy hiểm tại tuyến kè Xâm Thị. Thiệt hại của hành vi vi phạm là rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về đê điều gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của hàng trăm nghìn người dân sinh sống trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân gây sạt lở kè Xâm Thị. Ảnh: Hoàng Long

Đầy đủ bằng chứng về hành vi vi phạm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi UBND thành phố Hà Nội, việc nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân nằm trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị đã vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đê điều, Khoản 2 Điều 12 Luật Phòng chống thiên tai; gây ra sự cố sạt lở rất nghiêm trọng và nguy hiểm.

Nguy hiểm hơn là, sạt lở có xu hướng tiếp tục mở rộng vào sâu trong kè Xâm Thị và khu vực bãi sông thuộc phạm vi quản lý của Cảng Hồng Vân. Đây là tuyến kè có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ bãi sông Hồng và cầu cảng Hồng Vân nhằm phòng, tránh những nguy cơ khó lường, đặc biệt là khi vào mùa mưa bão.

Điều đáng nói, trước thời điểm tuyến kè Xâm Thị đoạn qua Cảng Thuỷ nội địa Hồng Vân bị sạt lở nghiêm trọng, UBND huyện Thường Tín, Hạt Quản lý đê Thường Tín có rất nhiều văn bản đề nghị chấm dứt ngay hành vi vi phạm nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân; xử lý nghiêm vụ việc vi phạm đúng thẩm quyền, quy định pháp luật; giao cơ quan chức năng điều tra, xác minh hành vi làm hư hỏng công trình kè Xâm Thị, xác định, quy mô và giá trị thiệt hại công trình kè để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và buộc thực hiện khắc phục hư hỏng công trình theo đúng tiêu chẩn kỹ thuật, định mức chuyên ngành lĩnh vực đê điều, phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký Văn bản số 377/UBND-KT về việc giải quyết sự cố công trình xây dựng sạt lở kè Xâm Thị gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Tín và Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao UBND huyện Thường Tín tổ chức kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND thành phố yêu cầu Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, quy định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều khi thực hiện nạo vét; phối hợp với các đơn vị liên quan cắm biển cảnh báo, không cho người, phương tiện đi vào khu vực sạt lở. Chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình xây dựng theo quy định.

 

Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện Thường Tín đang thành lập tổ công tác có sự tham gia của các sở, ngành và các chuyên gia để điều tra nguyên nhân sự cố, đưa ra giải pháp để khắc phục. Căn cứ trên cơ sở khoa học, tổ công tác sẽ đánh giá nguyên nhân gây ra sự cố, nếu là do con người làm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Thản cũng cho biết, cơ quan chức năng khẳng định có lưu giữ đầy đủ bằng chứng gồm hình ảnh, video về hành vi hút cát của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân tại khu vực này.

UBND huyện có nhiều văn bản yêu cầu công ty dừng ngay hành vi vi phạm, đồng thời có văn bản chuyển cơ quan công an để theo dõi, còn cơ quan quản lý Nhà nước không thể thường trực tại khu vực này để kiểm soát liên tục được.

Xử lý sự cố cần đảm bảo quy định

 Ở diễn biến khác, mới đây, Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân có Văn bản số 11/TTr-ILSV ngày 21/2/2022 gửi UBND huyện Thường Tín, Chi cục Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội, Hạt Quản lý đê điều huyện Thường Tín đề xuất tự khắc phục, xử lý sự cố sạt lở cầu Cảng Hồng Vân.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, tình trạng sự cố sụt lún đã xảy ra từng phần, từ hạ lưu lên thượng lưu (vị trí cầu cảng số 1) và từ ngoài vào trong bờ bãi, đến ngày 14/02/2022 sau khi đoàn liên ngành kiểm tra xác định mức độ sụt lún sâu từ 3,0 đến 6,0m so với mặt bằng cầu cảng, chiều dài khu vực sụt lún khoảng 150m, chiều rộng khoảng 70m tính từ mép ngoài cầu cảng số 1 trở vào, vị trí được xác định nằm trong vùng nước cảng. Theo quan sát thực tế của công ty quản lý cảng, hiện tượng chuyển vị sụt lún nhẹ tại vị trí cầu cảng, nền nhà kho cũng đang có dấu hiệu xuất hiện.

Do vậy, công ty xin tự khắc phục, xử lý sự cố sạt lở để bảo vệ tài sản tại cảng, giảm thiểu thiệt hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như các doanh nghiệp thuê kho bãi hiện đang bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng Logicstics không bị đứt gãy đồng thời sớm ổn định công việc cho hàng trăm lao động tại cảng.

Đáng chú ý, trước đó không lâu, UBND huyện Thường Tín lại có Văn bản số 91/UBND-KT ngày 8/2/2022 yêu cầu Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân chấm dứt hành vi tự khắc phục, thả đá xuống lòng sông khu vực bị sạt lở. Lập, đề xuất phương án xử lý sự cố tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức chuyên ngành về lĩnh vực đê điều, phòng, chống thiên tai, báo cáo xin ý kiến của các cơ quan có liên quan. Chỉ được phép triển khai thi công khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Điều 238, Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai;

b) Làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra…