1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. ĐỀ XUẤT CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG VỚI 8 DỰ ÁN BOT GIAO THÔNG: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý

ĐỀ XUẤT CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG VỚI 8 DỰ ÁN BOT GIAO THÔNG: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý

thứ ba, 27/9/2022 12:30 GMT+07
Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 13.115 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 8 dự án BOT chưa thu được phí, hoặc đã thực hiện thu phí nhưng không đảm bảo phương án tài chính ban đầu.

8 dự án BOT bị đề nghị chấm dứt hợp đồng

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong giai đoạn 2005 - 2020, Bộ này đã huy động được khoảng 247.575 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án theo phương thức PPP. Đến nay, các dự án PPP này đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khu vực có tuyến đi qua. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy hiện có 8 dự án BOT còn bất cập, cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Trong 8 dự án có 4 trạm chưa thu được phí, trong đó có 2 trạm La Sơn - Túy Loan trên cao tốc Bắc - Nam và trạm Bỉm Sơn trên QL1A có bất cập do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi” nên không đáp ứng Nghị quyết 437/NQUBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có 2 trạm Bờ Đậu trên QL3 và trạm T2 trên QL91 gặp vấn đề về an ninh trật tự khi tổ chức thu phí. Có 4 dự án đã thực hiện thu phí nhưng không đảm bảo phương án tài chính ban đầu.

Ngoài dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi do điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa nên không thể tổ chức thu phí; còn có 3 dự án sụt giảm doanh thu do phát sinh đường/cầu song hành gồm: Từ tháng 11/2015 đến 2019, việc thu phí từ khi khai thác dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 ổn định, đảm bảo phương án tài chính. Nhưng từ khi khai thác tuyến tránh Buôn Hồ từ tháng 12/2019 (nghiệm thu 30/12/2020) nhiều phương tiện không đi qua trạm thu phí Km 1747 nên doanh thu bị giảm 70 - 80%. Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà, từ thời điểm thu phí tháng 2/2019 đến nay, doanh thu thực tế chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính được duyệt. Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C, từ thời điểm thu phí tháng 1/2019 đến nay, doanh thu chỉ đạt trung bình khoảng 30%.

Cần xem xét kỹ lưỡng

Để xử lý vướng mắc, ngày 26/8/2022, Bộ GTVT có Văn bản 8865/BC-BGTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 13.115 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư/DN dự án của 8 dự án trên. Theo giải trình của Bộ GTVT, nội dung về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại các hợp đồng BOT gồm: Bất khả kháng có thể bao gồm nhưng không giới hạn, những sự kiện hay trường hợp bất thường thuộc loại “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong Hợp đồng thì Bộ GTVT xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư trình cơ quan chức năng và Chính phủ hỗ trợ về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư”.

Đồng thời, Bộ GTVT đánh giá vướng mắc của các hợp đồng BOT chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước, được xem là sự kiện bất khả kháng; hoặc một bên vi phạm hợp đồng (không cho phép nhà đầu tư thu phí dù nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng). Góp ý đối với đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, cả 8 dự án đều được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, do đó từng dự án cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở nội dung hợp đồng BOT đã ký kết liên quan đến trường hợp, điều kiện áp dụng; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và quy định pháp luật liên quan.

Mặt khác, tại khoản 6 Điều 52 Luật PPP, chỉ trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước (điểm a khoản 2 Điều 52) hoặc do cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (điểm d khoản 2 Điều 52) thì Nhà nước mới bố trí kinh phí để mua lại DN dự án PPP hoặc bố trí vốn nhà nước để bồi thường chẩm dứt hợp đồng (hướng dẫn chi tiết tại Điều 81 Nghị định 35/2021/NĐ-CP).

Từ lập luận trên, để có đề xuất về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Bộ Tư pháp xác định sự phù hợp khi áp dụng sự kiện bất khả kháng với các dự án cần phải chấm dứt hợp đồng trên cơ sở căn cứ quy định pháp luật dân sự và nội dung hợp đồng. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT cần phân loại cụ thể 8 dự án theo hai trường hợp chấm dứt hợp đồng, gồm: Do sự kiện bất khả kháng; và do phía cơ quan ký kết vi phạm hợp đồng; làm cơ sở xác định phương án chi phí xử lý phù hợp với từng trường hợp, có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng dự án.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 270 ra ngày 27/9/2022)