1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. HẢI PHÒNG: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

HẢI PHÒNG: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

thứ tư, 10/8/2022 14:45 GMT+07
(PLM) - Thời gian qua, tại Hải Phòng xuất hiện nhiều nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông với số tiền đến hàng chục tỷ đồng
Sàn giao dịch tiền ảo bị Công an TP Hải Phòng đánh sập năm 2021. Sàn giao dịch tiền ảo bị Công an TP Hải Phòng đánh sập năm 2021.

 “Xem Tiktok, nhận lương theo ngày”

Mới đây, chị Trần Thị Hoài Thư (SN 1988, ngụ Hạ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An) gửi đơn đến PC02 Công an TP về việc bị lừa đảo số tiền 1,6 tỷ đồng từ một tổ chức trên mạng có tên Aone. Theo đơn trình báo, bắt đầu từ 28/7/2022, chị Thư có liên hệ với tài khoản Facebook là Phương Bùi Thanh và Facebook Thanh Hà để “xem Tiktok nhận lương theo ngày”. Chị Thư bắt đầu ngày làm việc đầu tiên vào 30/7 sau khi đăng ký tên và tài khoản mạng, được một người có nick là “Aone Lễ Tân” hướng dẫn.

Công việc của chị Thư là nạp tiền vào số tài khoản hướng dẫn với mã các đơn hàng và nhận lại khoản tiền lãi khoảng 30%. Đến 2/8, khi chị Thư dùng tài khoản để “làm việc” thì xảy ra lỗi. Phía app yêu cầu người tham gia phải bổ sung để rút tiền về. Đầu tiên chị nạp 25 triệu, sau đó lên 77 triệu, 195 triệu và lần cuối cùng để hoàn thành là 400 triệu. Số dư tiền quỹ ban đầu là 25 triệu đồng và số nạp vào phần gốc là gần 700 triệu nhưng số tiền tài khoản trên app lên tới hơn 1,1 tỷ đồng. Khi chị muốn rút tiền về thì hệ thống thông báo tài khoản thường không rút được mà cần phải nâng cấp, yêu cầu nộp 50% số tiền vào mới được rút về.

Đã nạp tiền, chị Thư vẫn không rút được tiền và tiếp tục được yêu cầu phải nạp thêm 50% của 1,6 tỷ. Vì không còn tiền, chị Thư báo điều chỉnh giảm, xin địa chỉ để nộp tiền mặt thì nhận được thông tin đường 17A Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP HCM. Không có số điện thoại để liên hệ trực tiếp, app thông báo không nhận tiền mặt tại văn phòng và chỉ giao dịch qua chuyển khoản hệ thống. “Lúc này tôi giật mình tỉnh táo lại mới biết mình đã bị lừa, mất hết toàn bộ tài sản và lâm vào cảnh nợ nần”, chị Thư nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1992, ngụ Hồng Bàng) cũng rơi vào tình cảnh nợ nần do bị lừa từ tài khoản Shopee Mall qua Facebook. Để được bán hàng, hàng ngày chị phải nạp tiền vào tài khoản được trang này lập riêng cho và được trả hoa hồng 25%. Sau 1 tuần, số tiền chị nạp cho tài khoản lên tới 80 triệu và không thể rút ra được

Trên đây chỉ là 2 trong số nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng tại Hải Phòng trong thời gian qua. Trước đó, tháng 6/2021, Phòng An ninh Kinh tế phối hợp PC02 Công an Hải Phòng cùng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đánh sập sàn giao dịch tiền ảo Hitoption.net có hàng chục nghìn người tham gia, bắt giữ 2 đối tượng cầm đầu. Ngoài Hitoption, những đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO, tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Qua trích xuất sơ bộ tại 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị, xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn với số lượng các nhà đầu tư đến từ nhiều tỉnh, thành, tổng số dư các sàn hơn 7.505 tỷ, tổng số tiền đã rút ra 611 tỷ đồng. Đến thời điểm bị đánh sập, tại Hải Phòng, có 30 người đã đầu tư tổng cộng 16,1 tỷ đồng vào sản giao dịch ảo Hitoption.net.

Cảnh báo một số phương thức lừa đảo

Theo Công an Hải Phòng, trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ 4.0, ngày càng có nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp; đánh vào lòng tham của nạn nhân bằng cách trả về khoản tiền lãi quá lớn, dẫn đến nạn nhân không chỉ huy động hết tài sản cá nhân mà còn đi vay mượn thêm tiền để “làm giàu” nhanh chóng, rủ rê, lôi kéo người thân tham gia cùng.

Quá trình tiếp cận các nạn nhân, Công an Hải Phòng đưa ra cảnh báo về 8 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Thứ nhất, giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của nạn nhân đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Khi nạn nhân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền đó.

Đối tượng cũng có thể giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện thông báo cho bị hại “có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được”, yêu cầu nạn nhân cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản, rút tiền của bị hại.

Đối tượng lừa đảo còn giả danh công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân “liên quan đến vụ án hoặc “phạt nguội” vi phạm giao thông”, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý; và chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền có giá trị lớn hơn và chiếm đoạt tiền của bị hại.

Một thủ đoạn nữa là lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng khi mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao. Thậm chí, đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội mạo danh kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền.

Một hình thức khác là đối tượng cho vay tiền qua app hoặc đăng bán sản phẩm. Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc trả số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt số tiền. Công an Hải Phòng cảnh báo người dân tuyệt đối không vay tiền qua các app; không công khai thông tin cá nhân trên mạng, không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan; bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội để tránh gặp phải các hình thức lừa đảo.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 222 ra ngày 10/8/2022)