1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Hòa Bình: Nhiều vi phạm tại Dự án Sân Golf Trung Minh – Kỳ Sơn

Hòa Bình: Nhiều vi phạm tại Dự án Sân Golf Trung Minh – Kỳ Sơn

thứ hai, 25/4/2022 20:01 GMT+07
(PLM) - Dự án sân golf Trung Minh – Kỳ Sơn (Hòa Bình) có nhiều sai phạm như, chưa thực hiện đúng theo Quyết định 1946/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 (không làm sân golf trên đất rừng). Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp diện tích 44,129 ha, bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt 350 triệu đồng. Dự án chưa được giao đất, chưa được cho thuê đất, chưa hoàn thiện thủ tục về tài chính, đất đai, nhưng đã đầu tư, xây dựng, đưa phần lớn dự án vào khai thác kinh doanh từ cuối năm 2019.
Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình có giá dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng tùy thời gian chơi.

Được biết, ngày 14/5/2013, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 571/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án sân golf Trung Minh – Kỳ Sơn (sau dự án đổi tên khác, lấy tên thương mại là Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình). Ngày 14/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án này. Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho một tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng bất động sản là Chủ đầu tư.

Ngày 18/9/2014, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và phương án trồng rừng thay thế khu vực dự án này và cho phép chủ đầu tư nộp tiền thay thế nghĩa vụ trồng rừng là hơn 8,66 tỷ đồng.

Về đất đai, Dự án Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình có địa chỉ tại xã Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn) và xã Trung Minh thành phố Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình). Tổng diện tích dự án là 199,14ha, quy mô xây dựng sân golf 36 lỗ, tiêu chuẩn quốc tế với chi phí đầu tư dự kiến khoảng gần 800 tỷ đồng.

Về tiến độ dự án, theo kế hoạch thì đến tháng 12/2021 dự án phải hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh. Thực tế cho đến nay, Dự án Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình mới hoàn thành phần sân golf với 27 lỗ golf, và các hạng mục phụ trợ như nhà đón tiếp, cảnh quan, hạ tầng giao thông,... và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh từ cuối năm 2019. Phần còn lại bị chậm tiến độ, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan đến dự án.

Ngày 21/8/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 1452/KL-TTCP trong đó có nội dung: UBND tỉnh Hòa Bình phê quyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án sân golf nói trên trên diện tích 140,13ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có quyết định thu hồi 61,58ha) chưa đúng Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Trung bình có khoảng 200 lượt khách chơi golf trên ngày.

Ngày 7/4/2021, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 548/TTCP-V.I cho ý kiến theo đề nghị của Văn bản số 419/UBND-NNTT của UBND tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Công văn 548 có nội dung: UBND tỉnh Hòa Bình phê quyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án sân golf này với diện tích 140,13ha đất trồng rừng (đã có quyết định thu hồi 61,58ha – Quyết định1400/QĐ-UBND ngày 2/8/2017) là không đúng nội dung Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 (không được quy hoạch sân golf trên đất lâm nghiệp). Diện tích này nằm trong diện tích đất theo phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát, xử lý đối với việc thu hồi đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án chồng lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.

Tại Biên bản làm việc của Đoàn rà soát Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 3/2/2021 có nội dung: “Phần 61,58ha được UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất đợt 1 để bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh Hòa Bình giao đất, cho thuê đất cho Chủ đầu tư...”.

Ngày 15/10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 2480/QĐ-UBND về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Chủ đầu tư dự án. Số tiền 350 triệu đồng vì “tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp với diện tích 44,129ha tại phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình”.

Theo ông Vũ Phúc Thọ đại diện Chủ đầu tư: Một phần đất dự án này giải phóng mặt bằng theo phương thức thỏa thuận với dân, tức là mua của dân nên mua đến đâu Chủ đầu tư triển khai tới đó. Hiện, tỉnh chưa thể giao đất vì dân chưa có “sổ đỏ”, trong khi tỉnh cấp “sổ đỏ” chậm. Còn thủ tục thuê đất thì hiện đang làm, chưa xong. Dự án trong quá trình triển khai cũng có nhiều điểm chưa phù hợp theo quy định pháp luật. Chủ đầu tư đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ, có hơn 500 nhân viên đang làm việc tại dự án và dự án cũng đang bị lỗ.

Về tính giá thuê đất, Chủ đầu tư sẽ được đối trừ phần tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sang tiền thuê đất. Số này tiền đã bỏ ra giải phóng mặt bằng khoảng gần 180 tỷ đồng, nếu tính theo giá thuê đất tại thời điểm bây giờ có lẽ khoảng 20 năm nữa Chủ đầu tư vẫn chưa phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước – đại diện Chủ đầu tư chia sẻ.

Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình đã đưa vào hoạt động từ 2019, nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, tài chính.

Thực tế, tại dự án Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình có 199,14ha thì có tới 140,13ha nằm trong diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý trên sổ sách, còn lại người dân sử dụng từ lâu, đến nay Chủ đầu tư đã thỏa thuận mua lại của dân. Song, chưa hoàn thiện được thủ tục giấy tờ chuyển nhượng đất.

Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình đã thu hồi được 61,58 ha đất do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, nhưng phần đất mà Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp) quản lý lại nằm trong kế hoạch Cổ phần hóa Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình cũng đã xin ý kiến các Bộ, ngành để tham mưu cho Thủ tướng giao phần đất đó về cho tỉnh quản lý, từ đó giao cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa “ngã ngũ”. Đó cũng là một phần lý do Dự án Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình chưa thể hoàn thiện thủ tục giao, cho thuê đất. Chính vì vậy, dự án cho đến thời điểm này chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, chưa ký hợp đồng thuê đất.

Khảo sát thực tế, sân golf hiện đã đưa xây dựng khá khang trang, quy mô, với 27 lỗ golf, hồ nước, khu lễ tân đón tiếp, nhà hàng,... hàng ngày có hàng trăm lượt khách đến chơi golf. Theo một nhân viên quản lý tại sân golf này thì khách đông vào dịp lễ, tết, cuối tuần, trung bình có khoảng 200 lượt khách/ngày. Giá vé từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng tùy thời gian chơi.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Giá và công sản Sở Tài chính Hòa Bình xác nhận, dự án này chưa hoàn thiện hồ sơ để tính xác định nghĩa vụ tài chính (điều này có nghĩa là tỉnh chưa thu tiền sử dụng đất từ dự án này mặc dù đã đi vào hoạt động một phần từ cuối năm 2019 – PV).

Theo ông Doãn Quang Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình: Dự án Sân golf Hill Top Valley đang vướng ở chỗ đất đai thì Công ty Lâm nghiệp khoanh vào và nhận đất, về mặt hồ sơ thì thuộc quản lý của công ty, nhưng thực tế thì dân sử dụng từ xưa và dân vẫn được cấp sổ giao đất, giao rừng. Do đó, phần diện tích chồng lấn không thể cấp cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình được và cũng không thể thu hồi của dân cấp cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình được. Ngược lại, cũng không thể thu hồi của Công ty Lâm nghiệp để giao cho Chủ đầu tư được. Theo quy trình, tỉnh thu hồi để giao cho thành phố, sau đó các hộ dân có nhu cầu thì phải đăng ký để cấp giấy chứng nhận (cấp đổi hồ sơ giao đất giao rừng), sau đó Chủ đầu tư mới làm thủ tục nhận chuyển nhượng của quyền sử dụng đất của dân rồi mới chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, cho đến nay Dự án Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, chưa được giao đất, chưa hoàn thiện hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, nhưng đã được Chủ đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, vận hành từ năm 2019. Những tồn tại, vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ, các Đoàn rà soát của tỉnh Hòa Bình chỉ rõ. Vậy, tại sao một dự án lớn, sử dụng gần 200 ha đất lại được tỉnh “tạo điều kiện” cho đầu tư, xây dựng, vận hành khi chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định? Ngược lại, nếu cứ thu hút đầu tư theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” thì có đưa doanh nghiệp vào thế khó? Đảm bảo lợi ích song hành giữa Nhà nước và doanh nghiệp, qua việc này, tỉnh Hòa Bình cần thay đổi cách làm, cách thu hút đầu tư. Tránh việc doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi “mắc kẹt” trong cơ chế, chính sách.

Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình sớm thực hiện đúng theo Kết luận Thanh tra Chính phủ và quy định pháp luật liên quan.

Có thể bạn quan tâm