1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Luật sư không đồng tình về việc xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành

Luật sư không đồng tình về việc xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành

thứ tư, 29/6/2022 10:31 GMT+07
(PLM) - Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình trước thông tin ngày 21/7 tới, Tòa án nhân dân Thành phố (TP) Hồ Chí Minh sẽ xử kín vụ bé N.T.V.A 8 tuổi bị cha ruột và "dì ghẻ" đánh đến tử vong.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Facebook Trang Nguyen Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Facebook Trang Nguyen

Theo dự kiến, vào lúc 8 giờ sáng 21/7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳng Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh). Bị cáo Trang bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố về các tội "Giết người và Hành hạ người khác" còn bị cáo Thái bị truy tố về tội "Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm". Theo thông báo, vụ án dự kiến sẽ được xét xử kín.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình với quyết định xét xử kín trong vụ án này. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích: Theo Điều 25 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Như vậy, vụ án trên thuộc trường hợp phải xử kín do bị hại bé N.T.V.A dưới 18 tuổi. 

Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Toán án nhân dân tối cao quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (sau đây gọi chung là người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi) thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau: Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi, Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ Luật tố tụng hình sự.

“Theo những quy định trên, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Đặc biệt những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý”, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết. 

Tuy nhiên theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, việc xét xử kín trong vụ án này là không cần thiết. “Mục đích xử kín là bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh gây tâm lý bất ổn và đảm bảo tương lai cho các cháu. Nhưng vụ án này thì bị hại đã tử vong nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung”, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé Vân An có 4 luật sư, trong đó có bà Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh), luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh). Bào chữa cho bị cáo Trang có luật sư Nguyễn Ngọc Trâm. Luật sư Phạm Thị Ngọt và Võ Thị Xuân Thuỳ bào chữa cho bị cáo Thái.

Cáo trạng xác định, Trang và Thái sống như vợ chồng tại chung cư Sai Gon Pearl (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) từ năm 2020 - ngay sau khi ông này ly hôn với mẹ bé Vân An. Khoảng tháng 10/2021, trong thời gian cô bé học trực tuyến tại nhà, Thái giao con cho Trang chăm sóc và dạy kèm. Từ ngày 7 đến 22/12/2021, Trang nhiều lần dùng roi mây, cây gỗ đánh cô bé. Có lần bị can không cho cháu mặc quần áo, bắt quỳ gối, giơ hai tay lên cao rồi đánh; nhốt vào chuồng chó hoặc bắt cháu quỳ gối để học bài trong nhiều giờ mới được đứng dậy. Thái không can ngăn mà còn cùng người tình la mắng, cầm cây đánh con.

Khuya 10/12/2021 đến hơn 2h sáng hôm sau, đôi tình nhân thay nhau hành hạ và đánh vào vùng trọng yếu của cô bé. Riêng ngày 22/12/2021, từ 14h đến 18h, Trang liên tục đánh bé Vân An bằng cây gỗ, đạp vào người... khiến nạn nhân bất tỉnh, sau đó tử vong.

Trong quá trình điều tra, Trang và Thái thừa nhận toàn bộ hành vi nhưng cho rằng "đánh cháu An là để ngoan và học giỏi hơn". Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy Vân An là học sinh giỏi, ngoan, lễ phép với thầy cô. Do gia đình Thái không đồng ý cho anh ta kết hôn với Trang, Thái cũng không muốn có con với người tình nên Trang ghen tuông, tức tối. Cô ta từng tìm mẹ cháu Vân An yêu cầu không được gặp con. Khi biết Trang đánh Vân An tử vong, Thái đã xóa tất cả dữ liệu camera của căn hộ nhằm che giấu cho người tình, gây cản trở quá trình điều tra.