Những dấu hiệu sai phạm của Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM: Bao giờ mới xử lý dứt điểm?
Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh về những “lùm xùm” liên quan đến bằng cấp 3 của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM và những dấu hiệu sai phạm trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến việc UBND TP HCM yêu cầu phê bình rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Tấn vẫn tự ký quyết định công nhận mình đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” năm 2020 của Sở LĐ-TB&XH TP HCM.
Ngược đời hơn, ngày 10/3/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký quyết định về việc tặng bằng khen cho ông Lê Minh Tấn vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2019-2020), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TP HCM.
Chỉ sau đó có 20 ngày, ngày 30/3/2021 cũng chính ông Hoan lại ký quyết định phê bình rút kinh nghiệm đối với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM.
Ngay sau khi có thông tin phản ánh, ngày 17/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3205/VPCP/TCCV gửi UBND TP Hồ Chí Minh.
Công văn cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được một số văn bản của cơ quan báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xác minh, phản ánh làm rõ thông tin về công tác quản lý cán bộ đối với Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản của cơ quan báo chí tới UBND TP HCM để xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Các quyết định đã được gửi cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình để nắm và chỉ đạo.
Trước đó, ngày 29/4/2021, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Đạt cũng đã ký ban hành văn bản số 154/TTBNV-PĐP gửi Chủ tịch UBND TP HCM về việc làm rõ thông tin báo chí phản ánh đối với “lùm xùm” trong văn bằng, chứng chỉ, công tác thi đua - khen thưởng, sử dụng xe công liên quan đến ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM.
Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời báo chí, đồng thời gửi kết quả giải quyết về Thanh tra Bộ Nội vụ.
Tiếp đến, ngày 05/5/2021 Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lâm Tấn Hùng ký ban hành văn bản số 1567/SNV-CCVC nêu rõ: Sở Nội vụ đề nghị Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát, báo cáo, giải trình các nội dung báo chí nêu, để Sở Nội vụ có cơ sở nghiên cứu trả lời báo chí theo quy định. Báo cáo giải trình gửi về Sở Nội vụ trước ngày 11/5/2021, kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Liên quan đến sự việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội Vụ TP HCM, ông Nhân xác nhận sự việc Sở này có gửi công văn yêu cầu Sở LĐTB&XH báo cáo về trường hợp của ông Lê Minh Tấn.
Còn vấn đề liên quan đến công tác thi đua khen thưởng thì ông Nhân cho biết: “Việc này không thuộc thẩm quyền của Sở Nội Vụ đề nghị phóng viên liên hệ với Ban thi đua khen thưởng của TP để nắm thêm thông tin...”.
Không chỉ có việc ông Tấn nhận hàng loạt danh hiệu cho cá nhân mà bản thân ông Tấn thời gian qua, với tư cách là người Đảng viên nhưng liên tiếp phải nhận những tố của cán bộ, Đảng viên, người lao động đang công tác làm việc tại Sở LĐTB&XH TP HCM về những dấu hiệu không trung thực liên quan đến quá trình học tập.
Cụ thể theo đơn cho biết: “Ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963, học bổ túc văn hoá và tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày 29/05/2002, cấp bằng hạng trung bình ngày 09 tháng 01 năm 2003, số hiệu bằng 342207/THBT do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cấp.
Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó, ông Tấn đang học bổ túc THPT, chưa có bằng tốt nghiệp nhưng ông Tấn lại được “ưu ái” cử đi học hệ cử nhân tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hệ tại chức.
Vào năm 1993 -1995, dù chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ông Tấn vẫn “nghiễm nhiên” được cử đi học lớp Quản lý nhà nước hệ tại chức tại Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh và Trung cấp lý luận chính trị.
Cùng với quá trình liên tục được cử đi học đào tạo các lớp cán bộ, trong thời gian chưa có bằng cấp 3, ông Tấn đã giữ nhiều vị trí “trọng yếu” tại địa phương và huyện Củ Chi.
Cụ thể: từ tháng 11/2002 đến tháng 2/2003 tức là trong thời kỳ ông Tấn đang theo học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi để lấy bằng trung học phổ thông thì ông này bất ngờ được bầu làm Huyện Uỷ viên và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi khi chưa có bằng tốt nghiệp.
Nghiêm trọng hơn, sau khi ông Tấn ngồi vị trí Trưởng phòng còn “chưa ấm chỗ” để làm quen với công việc mới thì đến tháng 3/2003, vừa tốt nghiệp cấp 3, ông Tấn lại tiếp tục được quy hoạch nằm trong diện uỷ viên ban Thường vụ Huyện uỷ Củ Chi và được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi một cách thần tốc, gây xôn xao dư luận.
Tại thời điểm này, dù vừa tốt nghiệp cấp 3 được 2 tháng, ông Tấn bất ngờ leo lên vị trí Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi khi chưa có bằng đại học.
Việc ông Tấn liên tục được bổ nhiệm một cách thần tốc khi chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 và bằng đại học chính là bàn đạp cho con đường “quan lộ thần tốc” của ông Tấn sau này, kể từ tháng 7/2015 đến tháng 3/2016, ông Tấn được bầu làm Bí thư huyện uỷ Củ Chi, TP HCM.
Không chỉ bị tố cáo liên quan đến việc thăng tiến “thần tốc” có dấu hiệu sử dụng bằng giả để tiếp tục đi học hoàn thiện các bậc học cao hơn, trước đó, Thanh tra TP HCM cũng “chỉ mặt điểm tên” những sai phạm trong quá trình giữ chức vụ Giám đốc Sở, ông Lê Minh Tấn.
Theo đó, ông Tấn đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo quản lý dẫn đến nhiều đơn vị có vi phạm trong việc tiếp nhận hàng từ thiện, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ viên chức sai quy định.
Không những thế, ông Tấn còn được cho đã biến xe công thành “xe ông” khi sử dụng xe cơ quan để đưa đón cá nhân từ nhà đến nơi làm việc.
Việc làm này được cho đã trái quy định tại mục b, điểm 1, Điều 7 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng xe ô tô trong đơn vị Nhà nước.
Liên quan đến sự việc này, PV đã liên hệ qua điện thoại của ông Tấn để xác minh thông tin sự việc nhưng ông Tấn không nghe máy.
Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP HCM nhưng với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo Thành uỷ, UBND cùng các sở, ngành tới nay tình hình dịch bệnh đã tạm thời được khống chế, tình hình đời sống của người dân cũng đã dần trở lại bình thường.
Có được thành quả đó, Sở LĐ,TB&XH cũng đã góp phần không nhỏ cùng lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP chỉ đạo, điều hành vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên, hàng loạt các dấu hiệu sai phạm của ông Lê Minh Tấn với tư cách Giám đốc Sở đã được nhiều cơ quan báo chí và cán bộ, công chức phản ánh.
Sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của các cơ quan chức năng như Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TP HCM đã cho thấy đầu “đầu xuôi”.
Mong rằng Thành uỷ, UBND TP HCM sớm vào cuộc xử lý dứt điểm, không để sự việc bị…chìm xuồng và tạo làn sóng dư luận bức xúc cho cán bộ Đảng viên và người dân ở thành phố mang tên Bác.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.