1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Đông Anh (Hà Nội): Đến bao giờ dự án công viên Kim Quy mới được đưa vào hoạt động?

Đông Anh (Hà Nội): Đến bao giờ dự án công viên Kim Quy mới được đưa vào hoạt động?

thứ tư, 11/5/2022 10:30 GMT+07
(PLM) - Công viên Kim Quy là dự án công viên lớn bậc nhất Thủ đô (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh). Dự án quy mô hơn 100 ha, tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay dự án “tầm cỡ” này vẫn chỉ là một khu đất hoang được vây tôn kín.

Dự án Công viên Kim Quy sau nhiều năm triển khai xây dựng, hiện vẫn là khu đất trống.

Khởi công cuối năm 2016, đến nay công viên Kim Quy vẫn chưa thể triển khai. Tại phiên giải trình về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô sáng 25/4, trả lời về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của dự án công viên lớn bậc nhất Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh nói: Công viên Kim Quy hiện không vướng gì về quy hoạch mà chủ yếu về vấn đề giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, dự án công viên Kim Quy đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất, diện tích bàn giao giải phóng mặt bằng là 988.000m2/hơn một triệu m2, phần còn lại hiện huyện Đông Anh đang làm. Chủ đầu tư phải tổ chức triển khai theo quy hoạch và phần đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Trả lời với báo giới, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group, chủ đầu tư dự án công viên Kim Quy khẳng định, những khó khăn vướng mắc lớn nhất đã qua. Hiện dự án vẫn đang được Sun Group và UBND huyện Đông Anh cùng thành phố Hà Nội triển khai với nỗ lực cao nhất.

Làm rõ hơn về vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm triển khai, đại diện Sun Group cho biết, trên tổng diện tích 1.010.906,6m2 của dự án, đã có 974.097m2 mặt bằng được bàn giao cho Sun Group, tương đương với 97% vào tháng 10/2021. Sun Group cũng đã dành gần 700 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Tuy nhiên, phần diện tích này gồm nhiều mộ phần nằm rải rác trên mặt bằng tổng thể dự án, gây khó khăn nhất định đến việc triển khai đồng bộ các hạng mục của công viên. Liên quan đến yếu tố tâm linh, đây là vấn đề nhạy cảm, UBND huyện Đông Anh đã và đang cùng chủ đầu tư xúc tiến làm việc, thuyết phục, động viên các gia đình có mộ phần nằm trên diện tích cần bàn giao di dời, để sớm thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công.

“Sau khâu điều chỉnh quy hoạch của thành phố với dự án này, song song với công tác giải phóng mặt bằng, Sun Group đã cùng các đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế dự án, cập nhật những hạng mục mới hấp dẫn và hiện đại nhất, bắt kịp những xu thế công nghệ giải trí tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay”, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết.

Với mong muốn góp sức phát triển du lịch, tạo điều kiện người dân thụ hưởng dịch vụ giải trí chất lượng, đại diện Sun Group khẳng định: “Cam kết sẽ đưa Công viên Kim Quy vào hoạt động sau 2 năm, khi công tác cấp phép được hoàn thiện”.

Đối với 3% diện tích còn tồn đọng, UBND huyện Đông Anh đã và đang cùng chủ đầu tư xúc tiến làm việc, thuyết phục, động viên các gia đình có mộ phần nằm trên diện tích cần bàn giao di dời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công.

Được biết, trên tổng diện tích 101ha, Công viên Kim Quy sẽ là một tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, quy tụ các công viên chủ đề và công viên giải trí tầm cỡ khu vực với ý tưởng hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Tập đoàn này dự kiến sẽ dành 10 nghìn tỷ đồng để xây dựng Công viên Kim Quy thành điểm hẹn văn hóa, một trong những công viên công nghệ thực tế ảo quy mô hàng đầu châu Á. Đặc biệt, Công viên Kim Quy sẽ được xây dựng theo mô hình công viên mở, du khách vào cửa miễn phí, chỉ phải trả tiền khi chơi trò chơi hoặc sử dụng dịch vụ.

“Ý tưởng công viên mở không hề mới, nhưng đây là tâm huyết của Sun Group cùng với các đơn vị thiết kế cũng như thành phố Hà Nội, để đem tới cho thủ đô một điểm đến văn hóa xứng tầm quốc tế nhưng cũng là điểm đến để bất cứ ai, khi có nhu cầu, đều có thể tận hưởng những giá trị mà Công viên Kim Quy mang tới”, ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Sun Group chia sẻ.

Có thể thấy, chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiến tạo công viên giải trí tầm cỡ quốc tế, tạo nên một dấu ấn nổi bật vào ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. “Nút thắt” giải phóng mặt bằng cần sớm được thúc đẩy để bàn giao mặt bằng hoàn thiện cho chủ đầu tư bắt tay xây dựng dự án. Được biết, Sun Group đã dành gần 700 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án.


Trò chơi Roller Coaster gỗ với 2 làn trượt hiện đại dự kiến sẽ được Sun Group đưa vào công viên Kim Quy. (Ảnh minh họa trò chơi này tại công viên Sun World Hòn Thơm).

Không chỉ dự án công viên Kim Quy chậm tiến độ, trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại nhiều dự án treo, chậm triển khai làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Và để “hạ xuống” được những dự án “treo” này, theo các chuyên gia, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có chế tài xử phạt tài chính mạnh. Việc thu hồi lại dự án bỏ hoang được nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn đúng đắn và cần phải thực hiện nghiêm khắc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn các vướng mắc trong thu hồi các dự án chậm triển khai có một phần chồng chéo của các quy định pháp luật. Theo khái niệm pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai này. Vì vậy, cần hoàn chỉnh cơ chế Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Cần cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các tiêu chí hình thức như “chứng minh tài khoản của mình có bao nhiêu tiền” cũng cần phải lược bỏ, cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển đưa ra các tiêu chí gắn với báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo kiểm toán hằng năm. Từ đó sẽ lựa chọn được các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án…

Ngoài ra, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc có những dự án chậm triển khai, thậm chí là treo đến hàng chục năm có nguyên nhân từ công tác quản lý. Công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Những con số về diện tích đất sử dụng sai mục đích được thông báo trong thời gian qua rõ ràng là một tiềm năng rất lớn cho Hà Nội phát triển nếu biết tận dụng và khai thác hợp lý.

Như vậy, với việc Hà Nội đang vươn lên để hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đi trước cả nước, muốn nâng tầm thu nhập bình quân, bên cạnh việc khai thác nguồn lực khác cần tập trung nguồn lực từ việc khai thác tài nguyên đất hợp lý và hiệu quả.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/dong-anh-ha-noi-den-bao-gio-du-an-cong-vien-kim-quy-moi-duoc-dua-vao-hoat-dong-331860.html