1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Rút súng thị uy, xé bìa đỏ của người bán đất bị xử lý thế nào?

Rút súng thị uy, xé bìa đỏ của người bán đất bị xử lý thế nào?

thứ hai, 7/3/2022 19:00 GMT+07
(PLM) - Hành vi sử dụng súng uy hiếp và xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Sáng 7/3, tin từ Công an huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết đang xác minh, điều tra vụ việc bà T.T.T.H. (ngụ thị xã Thái Hòa) kêu cứu vì bị một người đàn ông rút súng uy hiếp và một người phụ nữ xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

xe-bia-do-o-nghe-an.jpg
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị xé rách

Theo trình bày của bà H. bà mua lô đất diện tích hơn 800m2 ở xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn. Chiều 21/2, bà H. có thỏa thuận bán lại lô đất trên cho bà Q.T.T. (ngụ xã Nghĩa Thuận).

Khi bà H. và bà T. có mặt tại văn phòng công chứng ở thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn để thực hiện hợp đồng giao dịch mua bán lô đất thì bà T. gọi điện cho bà B.Th.H. (ngụ huyện Diễn Châu) cùng nhóm người nữa đến yêu cầu bà H. cho xem sổ đỏ.

Khi bà H. lấy sổ đỏ ra thì bị bà B.Th.H. giật rồi xé rách. Chồng bà H. đứng cạnh đó giành lại sổ đỏ và xảy ra xô xát. Lúc này một người đàn ông xuất hiện, rút súng gí vào chồng bà H.. Khi mọi người kéo ra đường, người đàn ông này tiếp tục rút súng ra và “lên đạn”.

Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc và thu giữ khẩu súng và làm rõ hành vi xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xử lý theo quy định.

rut-sung-o-nghe-an.jpg
Người đàn ông đeo khẩu trang có hành vi rút súng và lên đạn xuất hiện trong clip

Nhiều độc giả quan tâm, hành vi sử dụng súng uy hiếp và xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất. Theo điều 105 và điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền sử dụng đất là tài sản, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là một loại tài sản.

Việc mất đi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đương nhiên làm mất đi quyền sử dụng đất của người dân. Công dân hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

“Do đó, hành vi xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là hành vi huỷ hoại tài sản; hành vi đe doạ sử dụng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bất hợp pháp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là hành vi cướp tài sản”, luật sư Trang nhấn mạnh.

Đối với hành vi của người đàn ông sử dụng trong tình huống trên, cơ quan điều tra cần làm rõ khẩu súng sử dụng là vũ khí quân dụng hay là công cụ hỗ trợ, có được giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ không?

Theo điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, vũ khí quân dụng là thiết bị có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, phá huỷ kết cấu vật chất được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân để thi hành công vụ.

Công cụ hỗ trợ là phương tiện được sử dụng để thi hành công vụ như súng bắn điện, súng phóng dây mồi, súng bắn đạn nhựa, đạn cao su…Như vậy, việc cá nhân sử dụng vũ khí hay công cụ hỗ trợ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu sử dụng súng dù là công cụ hỗ trợ đe dọa tính mạng người khác, làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đe dọa giết người".

Trường hợp sau khi giám định, xác định khẩu súng được sử dụng là công cụ hỗ trợ thì tuỳ từng mức độ vi phạm (sử dụng công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng theo giấy phép đã được cấp…) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt bổ sung với hình thức bị tịch thu tang vật vi phạm.

Bên cạnh đó, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 304 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 với mức phạt tù từ 01 năm đến tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm.