Phát hiện nhiều tư liệu lịch sử quý giá trong phim tài liệu nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du
Phim tài liệu nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du
Vừa qua, ngày 9/11, Thời báo Văn học Nghệ thuật phối hợp với Công ty cổ phần Không gian Văn hóa Việt Media đã tổ chức tọa đàm “Phim và những thông điệp văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Đến dự tọa đàm có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” do Công ty CP Không gian văn hóa Việt Media sản xuất, các tác giả kịch bản và chủ đầu tư là TS Phạm Xuân Mừng, Trần Đình Tuấn, Lương Xuân Trường và Nguyễn Văn Đức, đạo diễn Nguyễn Văn Đức thực hiện. Phim có thời lượng 180 phút, gồm ba phần: “Gia thế và tuổi thơ” (1765-1780), “Mười năm gió bụi” (1780-1796) và “Nghiệp văn và quan trường” (1796-1820). Qua đó, thể hiện những lát cắt lịch sử của 3 triều đại Lê – Trịnh; Tây Sơn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, bộ phim tái tạo lại một cách sống động về cuộc đời Nguyễn Du từ lúc sinh ra (1765) ở phường Bích Câu – Thăng Long trong gia đình tể tướng quyền quý đến khi làm quan tới chức Hữu Tham Tri bộ Lễ tước Du Đức Hầu và mất tại Huế (1820).
TS. Phạm Xuân Mừng nhấn mạnh thông điệp mong muốn truyền tải văn hóa lịch sử dân tộc đến cộng đồng qua bộ phim tài liệu nghệ thuật "Đại thi hào Nguyễn Du"
Theo TS. Phạm Xuân Mừng, chủ đầu tư bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, có được thành công bước đầu như ngày hôm nay là một sự cố gắng, lao động vất vả hơn ba năm trời. Phim tài liệu truyện là một thể loại mới ở Việt Nam, còn đối với thế giới đã phát triển từ lâu.
Để có được những thước phim sống động, sát với lịch sử, đoàn làm phim đã rất công phu trong việc thu thập tư liệu lịch sử, thậm chí vấn đề tư liệu lịch sử là nỗi niềm trăn trở của cả đoàn làm phim trong quá trình thực hiện bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn – chủ biên kịch bản: “May mắn là có những tài liệu quý, bằng rất nhiều nguồn chúng tôi đã tình cờ phát hiện được, hay cũng từ những bạn đồng nghiệp mà có những tài liệu rất ít được chú ý đến, và khi chúng tôi đưa lên màn hình thì cũng làm cho nhiều người thấy ngỡ ngàng.
Ví dụ như tư liệu về Gia Huấn Ca của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, nằm ẩn trong một bài nghiên cứu đăng trên một tạp chí rất nhỏ, nhưng chúng tôi cũng kỳ công và tìm được. Bản Gia Huấn Ca đó là nguyên bản chữ Nôm, rất có giá trị khi dùng để hình dung một tổng thể xuyên suốt văn hóa của một dòng họ. Trong Truyện Kiều có một câu rất hay được nhắc đến là: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mấy bằng ba chữ tài”, để hiểu gốc tích câu này đến với Nguyễn Du thế nào? tại sao nhà văn lại có ý tưởng như thế? chúng ta có thể hiểu là Gia Huấn Ca của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ngay từ câu mở đầu đã ghi: “Thiện lương là quốc bảo”. Điều đó đã gợi lên cho chúng tôi cả về văn hóa của một dòng họ, và rất nhiều dòng họ của Việt Nam cũng lấy đạo tích thiện làm nền tảng của gia huấn hay là gia quy”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn – chủ biên kịch bản chia sẻ về quá trình thu thập tư liệu lịch sử để thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật "Đại thi hào Nguyễn Du"
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Cảm giác đầu tiên của tôi đây là một công trình rất công phu, trong đó chứa đựng hàm lượng văn hóa rất cao. Đây là công trình nghệ thuật mang tính tập thể, ở đó chọn lựa được rất nhiều chi tiết, chọn lựa được những khúc thời gian của lịch sử đất nước dân tộc gắn liền với Đại thi hào Nguyễn Du từ thuở thiếu thời đến khi từ giã cõi đời. Tôi nghĩ đây là tác phẩm có ý nghĩa rất tốt trong thời đại ngày nay, đề cao vai trò của văn hóa”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng hoa đoàn làm phim "Đại thi hào Nguyễn Du"
Bộ phim tài liệu "Đại thi hào Nguyễn Du" chính thức ra mắt khán giả vào tháng 11. Phim sẽ tranh tài tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế vào trung tuần tháng 11, hạng mục phim tài liệu.