Phát hiện nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội
Chiều 26/5, liên ngành các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đây là chương trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/12/2017 của Liên ngành tư pháp Trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Sau 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành tư pháp Trung ương quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố... liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Kết quả, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các đơn vị về cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra, công tác quản lý theo dõi nguồn tin về tội phạm được chú trọng hơn, chất lượng kết quả giải quyết chuyển biến tích cực, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường triển khai.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, lãnh đạo liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội đã tăng cường toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, tập trung đấu tranh triệt phá băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, các đường dây tội phạm.
Đặc biệt chú trọng đến công tác phân loại, tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Viện Kiểm sát thành phố xác định việc giải quyết tố giác tội phạm là khâu đột phá trong thực hiện công tác kiểm sát. Trong đó, ngành tăng cường công tác kiểm tra liên ngành việc thực hiện tại cả 2 cấp công an, Viện Kiểm sát. Đối với những tố giác sắp hết thời hiệu giải quyết, Viện Kiểm sát kiên quyết phục hồi, giải quyết dứt điểm các vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý thông qua công tác giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm như vụ án Nguyễn Trung Huyên đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi làm cháu tử vong, vụ 2 bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng làm cháu tử vong ở huyện Thường Tín...
Nhóm nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực sở hữu chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thụ lý nguồn tin về tội phạm (chiếu hơn 41%), trong đó phần lớn là hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, giả danh cán bộ tư pháp, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết tố giác tội phạm vẫn gặp nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các ngành. Trong đó, công tác trực ban hình sự và vào sổ tiếp nhận nguồn tin tại một số Công an cấp xã còn chưa thực hiện nghiêm túc và chưa đảm bảo đúng quy trình. Công tác phân loại nguồn tin (trong thời hạn 24 giờ) còn gặp nhiều hạn chế do một số vụ việc chưa đủ thông tin để phân loại xử lý.
Đặc biệt, công tác xử lý vật chứng chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ khiến liên ngành gặp nhiều lúng túng khi thực hiện. Cụ thể như theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, cơ quan Quản lý thị trường phải chuyển ngay khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Song, khi cơ quan quản lý thị trường tiến hành chuyển giao thường phải làm việc qua nhiều đầu mối trước khi xác định được đơn vị tiếp nhận.
Trong một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn yêu cầu cơ quan Quản lý thị trường phải thực hiện thủ tục giám định tang vật mới đồng ý tiếp nhận tin báo, vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng cơ chế ràng buộc giữa cơ quan chuyển giao với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm hoặc cơ quan chuyển giao nhưng không xác định được cơ quan tiếp nhận.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Minh Hùng, cần có phương án xử lý kịp thời đối với tang vật của các vụ việc chuyển giao. Đối với các vụ việc đang trong quá trình xem xét, ông Hùng kiến nghị chuyển giao tang vật đến kho tạm giữ tang vật của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đảm bảo việc tạm giữ, bảo quản tang vật, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Đối với các vụ việc đã có quyết định khởi tố hoặc bản án của tòa án, Cục Quản lý thị trường thành phố kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan thi hành án tiếp nhận ngay toàn bộ tang vật để thu giữ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội xác định tầm quan trọng của công tác tố giác tội phạm là tiến trình mở đầu cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Trong thời gian tới, liên ngành tiếp tục chú trọng phối hợp chặt chẽ, rút kinh nghiệm kịp thời để việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao./.