Phát huy năng lực cộng đồng trong phát triển nông nghiệp
Mô hình Hội quán
Tháng 7/2016, Canh Tân Hội quán - mô hình Hội quán đầu tiên được thành lập tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đây là khởi xướng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, khi đó ông là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Đến nay cả nước có hằng trăm Hội quán đã và đang phát huy hiệu quả khi nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp.
Tại Tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, chia sẻ về mô hình Hội quán, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cách tiếp cận từ cộng đồng là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Cộng đồng xã hội cân bằng hạn chế của Nhà nước, thị trường và là cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. “Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các Hội quán để kích hoạt sự tham gia, tự chủ và tự lực của cộng đồng…” - Bộ trưởng chia sẻ.
Thực tế cho thấy sự hình thành các Hội quán đã chứng minh được việc tạo ra một không gian cộng đồng để người dân có thể làm chủ, trực tiếp đóng góp ý kiến, sau đó có thể lôi kéo được sự tham gia của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, trường đại học.
Cũng tại Tọa đàm, TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT đã chia sẻ về phương pháp phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng - phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (Assets-Based Community Development - ABCD). Đây là một phương pháp được bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2008 tại Đại học An Giang do Học viện Quốc tế Coady - Canada tổ chức. Hiện nay, có ít nhất 18 tỉnh ở Việt Nam áp dụng ABCD trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hải, ABCD khác với cách tiếp cận truyền thống là dựa trên nhu cầu bắt đầu từ cộng đồng cần gì để tìm những hỗ trợ từ bên ngoài. ABCD tập trung huy động “sự tham gia của người dân và kết nối các nguồn lực”. “Với cách tiếp cận của ABCD giúp người dân nhận diện được những nguồn lực tại cộng đồng, tự vận động, tự làm chủ quá trình phát triển” - ông Hải nói thêm.
Ở Việt Nam, nhiều tỉnh có mô hình triết lý ABCD như: Hội quán Đồng Tháp, An Giang; Nông hội Gia Lai; Ngôi nhà trí tuệ Hà Tĩnh; Tổ khuyến nông cộng đồng Kiên Giang… Đã có một những mô hình thành công trong việc áp dụng ABCD, như: HTX Đông Nghi, Tiền Giang, bắt đầu từ việc nuôi dê để lấy sữa, nhưng sữa dê khó bán, do đó đã hướng dẫn cộng đồng làm sữa chua ướt thành khô, bán dễ hơn… “Điều đó cho thấy, việc áp dụng ABCD đã giúp đổi mới trong tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, liên kết DN…” - ông Hải nhấn mạnh.
Cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng
Từ thực tế hình thành các mô hình cộng đồng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình để phát triển cộng đồng. Những giáo trình này cũng cần dễ hiểu, dễ tiếp xúc đối với người dân để mô hình cộng đồng có thể được thẩm thấu và lan tỏa hiệu quả tại các địa phương. Từ đó, huy động nguồn lực của DN, giúp giải “bài toán” thị trường…
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho rằng, việc quan trọng đầu tiên là cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng đồng về mục tiêu muốn hướng đến. Thứ hai, cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển. Tiếp đó là có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng. Ngoài ra, cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và “tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn”.
Đặc biệt, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Chu Tiến Quang cho rằng, chúng ta đã nói nhiều về các hình thức tổ chức kinh tế nhưng lại nói rất ít về các hình thức cộng đồng. Trong khi trên thực tế hình thức này đang hình thành và rất sinh động. “Tới đây có cần cơ chế, thể chế cho hình thức cộng đồng một cách cụ thể để bảo đảm cho phát triển bền vững hay không?”- chuyên gia này đặt vấn đề.
Cũng theo ông Quang, Bộ KH&ĐT đang giúp Chính phủ triển khai các chính sách theo Luật Hợp tác xã, nhưng làm thế nào để thể chế hóa các quy định trong Luật Hợp tác xã, tránh tác động nghịch lại sự phát triển là một vấn đề. Bộ NN&PTNT đã có đề tài xây dựng chính sách xã hội dân sự Việt Nam, song đề tài chỉ đánh giá tổ chức quần chúng và vài tổ chức xã hội chính trị chưa đi được vào chi tiết. “Cần có sự tổng kết đích đáng, cụ thể để tìm ra “chân tơ, kẽ tóc” cho sự phát triển của các cộng đồng để có thực chứng, từ đó đề xuất hành lang phát triển lâu dài” - chuyên gia đề xuất.